Kết quả cuộc đua half-marathon giữa người và robot đầu tiên trên thế giới: Tiangong Ultra về nhất sau 2 giờ 40 phút

Lần đầu tiên trong lịch sử, 21 robot hình người đã cùng hàng ngàn vận động viên tham gia một cuộc đua half-marathon dài 21km tại Bắc Kinh vào thứ Bảy, trong nỗ lực thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc.

Robot chiến thắng – Tiangong Ultra – đến từ Trung tâm Đổi mới Robot Hình người Bắc Kinh, hoàn thành quãng đường trong 2 giờ 40 phút, gấp hơn hai lần so với vận động viên nam vô địch ở nội dung dành cho con người (1 giờ 2 phút). Dù kết quả vẫn còn khiêm tốn nếu so với người thật, đây là bước tiến đáng kể của ngành robot Trung Quốc trong việc mô phỏng chuyển động sinh học và khả năng tự vận hành của máy móc.

Kết quả cuộc đua half-marathon giữa người và robot đầu tiên trên thế giới: Tiangong Ultra về nhất sau 2 giờ 40 phút
Robot hình người "Tiangong" tham gia cùng các vận động viên chạy bộ trong Giải chạy half-marathon

>> Google đón nhận 'cú đánh' chống độc quyền thứ 2, tăng căng thẳng về tương lai ngành quảng cáo

Các robot tham gia đến từ nhiều công ty công nghệ trong nước như DroidUP, Noetix Robotics, và nhiều đơn vị phát triển robot khác. Chúng có hình dáng và kích thước đa dạng: có robot cao tới 1,8m, trong khi một số khác chỉ chưa đến 1,2m. Một công ty còn gây chú ý với robot có gương mặt “gần giống người thật”, có thể nháy mắt và mỉm cười.

Kết quả cuộc đua half-marathon giữa người và robot đầu tiên trên thế giới: Tiangong Ultra về nhất sau 2 giờ 40 phút
Robot "Noetix N2" khi tham gia cùng với các vận động viên chạy bộ

Theo giới chức Bắc Kinh, cuộc đua không chỉ là hoạt động thể thao đơn thuần mà giống như một cuộc thi kỹ thuật, nơi các đội phải kết hợp giữa lập trình, điều hướng và cơ khí chính xác. Mỗi robot đều được kèm theo một huấn luyện viên là con người, người hỗ trợ robot khi gặp sự cố hoặc cần can thiệp kỹ thuật. Một số robot thậm chí còn mang giày chạy, đội băng đô đỏ với dòng chữ “Nhất định chiến thắng”, hoặc đeo găng tay boxing.

Khán giả theo dõi cuộc đua không giấu được sự phấn khích. “Tôi cảm thấy như đang chứng kiến sự tiến hóa của trí tuệ nhân tạo và robot”, một người xem tên He Sishu, hiện đang làm việc trong ngành AI, chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải robot nào cũng suôn sẻ. Một robot bị ngã ngay vạch xuất phát và nằm bất động vài phút trước khi tiếp tục. Một robot khác đâm vào lan can sau vài mét di chuyển, khiến huấn luyện viên ngã theo. Dù vậy, nhiều robot – đặc biệt là Tiangong Ultra – đã hoàn thành cuộc đua một cách ổn định, dù phải thay pin tới ba lần trong suốt chặng đường.

Theo ông Tang Jian, giám đốc công nghệ của trung tâm phát triển Tiangong Ultra, robot này đạt được thành tích trên nhờ vào cặp chân dài và thuật toán mô phỏng chuyển động chạy của con người. Tang không ngần ngại so sánh robot của mình với các sản phẩm từ phương Tây: “Tôi không muốn khoe khoang, nhưng hiện tại chưa có công ty robot phương Tây nào đạt được thành tích thể thao như Tiangong”.

Trung tâm này hiện được sở hữu 43% bởi hai doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, phần còn lại thuộc về liên minh giữa Xiaomi Robotics và UBTech – hai tên tuổi lớn trong lĩnh vực robot của Trung Quốc.

Tang khẳng định, mục tiêu sắp tới không chỉ dừng lại ở các màn trình diễn công nghệ: “Chúng tôi sẽ tập trung vào các ứng dụng công nghiệp – để robot hình người có thể thực sự bước vào nhà máy, doanh nghiệp và sau cùng là trong các hộ gia đình”.

Tuy vậy, không phải tất cả chuyên gia đều ấn tượng. Alan Fern, giáo sư ngành khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo và robot tại Đại học Bang Oregon (Mỹ), cho rằng những gì đang được thể hiện “không phải là đột phá về AI”. Ông cho biết phần mềm cho phép robot chạy đã được phát triển từ hơn năm năm trước và các cuộc trình diễn như thế này “chỉ mang tính biểu diễn”, chứ chưa thực sự phản ánh khả năng ứng dụng của AI trong thực tế.

>> Sau vụ xe ô tô điện bốc cháy nghi ngút trên cao tốc, chính phủ một quốc gia ra tiêu chuẩn mới về pin