
Việc hợp tác với cơ quan chức năng đã giúp Hòa Phát đưa mức thuế chống bán phá giá tạm thời được EC áp dụng đối với thép cuộn cán nóng về 0%.
Thông tin từ Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), ngày 7/4/2025, Ủy ban Châu Âu (EC) ban hành thông báo áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam, Ai Cập và Nhật Bản vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Vụ việc được khởi xướng điều tra từ ngày 8/8/2024, theo đơn kiện của Hiệp hội Thép châu Âu. Mặt hàng bị điều tra là thép cán nóng, thuộc một số mã CN trong các nhóm sản phẩm 7208, 7211, 7225 và 7226.
Giai đoạn điều tra bán phá giá kéo dài từ ngày 1/4/2023 đến 31/3/2024, trong khi giai đoạn điều tra thiệt hại bắt đầu từ 1/1/2021 đến 31/3/2024.
Kết luận sơ bộ của EC cho thấy, biên độ bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam dao động từ 0% đến 12,1%, tùy theo doanh nghiệp. Kết luận này được đưa ra dựa trên dữ liệu do các doanh nghiệp cung cấp và các điều chỉnh theo quy định điều tra. Hai công ty Việt Nam hợp tác trong vụ điều tra là Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát (HPG) Dung Quất.
EC kết luận sơ bộ rằng ngành công nghiệp sản xuất thép cuộn cán nóng của EU đã chịu thiệt hại đáng kể, thể hiện qua các yếu tố về thị phần, tác động giá, lợi nhuận, đầu tư và việc làm.
Đối với cáo buộc của nguyên đơn về việc chính sách thuế xuất khẩu của Chính phủ tác động làm giảm giá quặng sắt và than – nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép cán nóng (chiếm lần lượt 30-40% và 26-39% chi phí sản xuất thép cán nóng), tạo ra lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu bán phá giá sang EU, EC sơ bộ kết luận không có đủ bằng chứng cho cáo buộc này.
Trong giai đoạn điều tra, các công ty Việt Nam đều nhập khẩu quặng sắt và than luyện cốc từ nhiều quốc gia trên thế giới do nguồn nguyên liệu trong nước không đảm bảo về số lượng và chất lượng. Do đó, giá nguyên liệu đầu vào không phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu trong nước.
Do đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được EC áp dụng đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam cụ thể như sau: Formosa Hà Tĩnh (12,1%), Hòa Phát Dung Quất (0%), các nhà xuất khẩu khác từ Việt Nam (12,1%). Mức thuế này được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá CIF tại biên giới EU (chưa bao gồm thuế hải quan).
Như vậy, việc hợp tác với cơ quan chức năng đã giúp Hòa Phát đưa mức thuế chống bán phá giá tạm thời được EC áp dụng đối với thép cuộn cán nóng về 0%.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra nghiên cứu kỹ các thông tin tài liệu gửi kèm, tiếp tục hợp tác đầy đủ toàn diện với EC và cơ quan chức năng trong nước trong quá trình điều tra.