Maybank: VN-Index có thể điều chỉnh về 1.000 điểm trong kịch bản tiêu cực

CTCK này dự báo, biến động thị trường sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Maybank (MSVN) kỳ vọng có khả năng đạt được một thỏa thuận giảm thuế trong vòng 1–2 tháng tới. Trong thời gian chờ đợi, Việt Nam cần tận dụng các công cụ tài khóa và tiền tệ để giảm thiểu tác động từ các mức thuế mà Tổng thống Trump đã áp đặt.

Về một số biện pháp thỏa thuận thương mại, Maybank chỉ ra rằng bên cạnh đề xuất mua 86 tỷ USD hàng hóa, dịch vụ của Mỹ và cam kết xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, một số biện pháp phi thuế quan là những mối quan ngại lớn của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), và có thể cần được điều chỉnh để Việt Nam đạt được thỏa thuận.

Maybank: VN-Index có thể điều chỉnh về 1.000 điểm trong kịch bản tiêu cực- Ảnh 1.

Dựa trên các yếu tố này, đội ngũ phân tích Chứng khoán Maybank đưa ra ba kịch bản:

Một là, kịch bản cơ sở với mức thuế 30–35%, giúp Việt Nam vẫn duy trì tính cạnh tranh so với các đối thủ thu hút FDI trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh,...

Hai là, kịch bản tốt nhất với mức thuế 20–25%, đưa Việt Nam ngang bằng với Nhật Bản, Hàn Quốc và EU, và tiếp tục giữ vai trò điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI.

Ba là, kịch bản xấu nhất với mức thuế 46%, buộc nền kinh tế phải tiến hành điều chỉnh cơ cấu ngay lập tức.

"Tổng thống Trump đã thể hiện sự sẵn sàng đàm phán, và chúng tôi kỳ vọng sẽ có động thái giảm thuế trong vòng 1–2 tháng tới", Maybank nêu rõ.

Kỳ vọng dòng vốn FDI tiếp tục ổn định

Về dài hạn, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, với mạng lưới thị trường xuất khẩu đa dạng hơn và khu vực tư nhân trong nước ngày càng lớn mạnh.

FDI và thương mại là hai mối quan tâm trọng yếu ở thời điểm hiện tại. Các doanh nghiệp FDI hiện đóng góp hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và sử dụng khoảng 10% lực lượng lao động. Do đó, mức thuế 46% từ Mỹ nếu được áp dụng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu, đồng thời ảnh hưởng gián tiếp đến tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, chênh lệch thuế mới giữa Việt Nam và các đối thủ cạnh tranh trong khu vực ở các ngành dệt may và giày dép (bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Campuchia, Thái Lan) hiện dao động trong khoảng 0% đến 20%, và có thể thu hẹp.

Ngoài ra, bên cạnh mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực, Việt Nam vẫn sở hữu những lợi thế cốt lõi như: các trung tâm sản xuất điện tử, dệt may và giày dép đã được định hình rõ nét; thị trường tiêu dùng quy mô lớn, vẫn còn dư địa phát triển với 100 triệu dân; và lực lượng lao động giá rẻ, có kỹ năng và dồi dào. Những yếu tố này sẽ khiến nhà đầu tư FDI phải cân nhắc kỹ trước khi rút khỏi Việt Nam.

Trong ngắn hạn, việc điều phối đồng bộ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ là điều kiện cần thiết để giảm thiểu tác động của cú sốc thuế quan. Trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng, MSVN kỳ vọng lãi suất thị trường sẽ duy trì ở mặt bằng hiện tại trong 6–12 tháng tới.

Maybank: VN-Index có thể điều chỉnh về 1.000 điểm trong kịch bản tiêu cực- Ảnh 2.

VN-Index có thể điều chỉnh về mức 1.000 điểm

Maybank dự báo, biến động thị trường sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới, và chỉ số VN-Index có thể điều chỉnh về mức 1.000 điểm, tương đương với mức P/E khoảng 10 lần – mức định giá mà thị trường đã từng chạm tới năm lần kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong kịch bản thuế vẫn được duy trì ít nhất đến cuối năm 2026, đội ngũ phân tích MSVN đưa ra ba mục tiêu VN-Index cuối năm 2025 tương ứng với ba kịch bản: cơ sở – 1.230 điểm, tích cực – 1.410 điểm, và tiêu cực – 1.000 điểm.

Trên cơ sở đó, Maybank chuyển trọng tâm sang các cổ phiếu có tính phòng thủ cao hơn. Các mã cổ phiếu tiêu biểu được khuyến nghị lựa chọn gồm: VNM, SAB, QNS, DGC, FPT, ACV, MWG, VHM, TCB, MBB.

Maybank: VN-Index có thể điều chỉnh về 1.000 điểm trong kịch bản tiêu cực- Ảnh 3.