Chỉ một ngày sau khi chạm mức cao kỷ lục hơn 3.500 USD/ounce, giá vàng đã quay đầu giảm mạnh. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng, đợt tăng giá hiện tại vẫn còn nhiều dư địa khi số lượng kim loại quý được sở hữu còn ở mức thấp và vàng vẫn rẻ nếu xét theo một số thước đo định giá.
Trao đổi với Kitco News, ông Bart Melek – Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa tại TD Securities cho biết, nhà đầu tư có thể chứng kiến biến động ngắn hạn trong bối cảnh giá vàng tăng dựng đứng, vượt mốc 3.400 USD, khiến một số chỉ báo kỹ thuật cho thấy thị trường đang ở trạng thái quá mua.
Tuy nhiên, xét trên phương diện rộng hơn, ông nhận định vàng vẫn đang bị nhiều nhà đầu tư phớt lờ. “Nếu nhìn vào xu hướng dài hạn, thị trường vẫn chưa chú ý đúng mức đến vàng”, ông nói.
Theo Melek, nếu điều chỉnh theo lạm phát kể từ những năm 1970, mức đỉnh thực tế của vàng có thể lên tới 3.544 USD/ounce trên thị trường giao ngay. “Đây có thể là một mục tiêu kỹ thuật hợp lý”, ông nhận định. “So sánh giữa giá vàng lịch sử và đường chi phí sản xuất, tỷ lệ này cho thấy giá vàng vẫn còn khả năng tăng đáng kể”.
Trong trường hợp điều chỉnh sâu hơn, Melek sẽ theo dõi mốc hỗ trợ 3.100 USD. Tại thời điểm trả lời phỏng vấn, giá vàng giao ngay đã giảm khoảng 3% trong ngày, xuống còn 3.279 USD/ounce, thấp hơn hơn 6% so với mức đỉnh mới thiết lập trước đó.
![]() |
Giá vàng giảm sâu so với đỉnh lịch sử 3.500 USD/ounce |
Áp lực ngắn hạn đến từ giới đầu cơ
Phân tích hành vi nhà đầu tư trên thị trường, Melek chỉ ra rằng nhóm các nhà tư vấn giao dịch hàng hóa (CTA), vốn là các nhà đầu tư theo xu hướng, hiện đang nắm giữ lượng vị thế mua ròng vàng ở mức rất cao, gần như tối đa. Điều này có thể tạo ra áp lực bán chốt lời trong ngắn hạn khi giá lên cao.
Trong khi đó, các nhà đầu tư chủ động, không thuộc nhóm CTA vẫn chưa tham gia mạnh mẽ vào vàng. “Nguyên nhân lớn là chi phí nắm giữ vàng vẫn còn khá cao. Lạm phát vẫn dai dẳng và một số người bắt đầu nghi ngờ liệu Fed có thể giảm lãi suất mạnh tay hay không”, ông nói.
Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cần thêm dữ liệu kinh tế trước khi có bất kỳ thay đổi nào về chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, Melek dự báo rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ buộc Fed phải giảm lãi suất, điều sẽ thu hút thêm dòng vốn đầu tư vào vàng.
Tài sản trú ẩn vẫn được ưa chuộng
Dù chi phí cơ hội khi nắm giữ vàng hiện vẫn ở mức cao, Melek khẳng định rằng vàng tiếp tục là một tài sản trú ẩn hiệu quả. “Khi thị trường chứng khoán không hoạt động tốt, vàng thường là công cụ phòng ngừa rủi ro đáng tin cậy - nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng vai trò tiền tệ dự trữ của đồng USD đang suy giảm”, ông nói.
Điều này, theo ông, có thể gây ra bất ổn cho thị trường trái phiếu và ngược lại sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
![]() |
Giá vàng vẫn còn nhiều dư địa để tăng tiếp trong tương lai. Ảnh minh họa |
Tiềm năng đầu tư vào vàng vẫn chưa được khai thác hết
Để minh chứng cho quan điểm này, Melek dẫn dữ liệu từ các quỹ ETF vàng. Mặc dù các quỹ này đã ghi nhận dòng vốn vào khá mạnh từ đầu năm đến nay, tổng lượng vàng nắm giữ vẫn thấp hơn 20% so với mức đỉnh năm 2020.
Một trong những khu vực có lực mua ETF mạnh là Trung Quốc, nơi nhà đầu tư đang đổ xô mua vàng để bảo toàn tài sản và sức mua trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu.
Ngân hàng trung ương: Người mua vàng bền bỉ nhất
Dù phần lớn nhà đầu tư cá nhân còn đứng ngoài, vẫn có một nhóm đang tích cực gom vàng - đó là các ngân hàng trung ương.
“Các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng khi họ đặt dấu hỏi về mức độ đáng tin cậy của Mỹ với vai trò đối tác thương mại”, Melek nhận định. “Chúng ta đang chứng kiến USD suy yếu ngay cả khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài đi xuống. Điều đó không bình thường và là tín hiệu cho thấy không phải tất cả trái phiếu chính phủ Mỹ đều còn là nơi trú ẩn an toàn. Vàng sẽ được hưởng lợi từ điều này”.
Theo Kitco News
>> Giá vàng thế giới lên xuống ‘như tàu lượn’