Giữa đại ngàn Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk đang lưu giữ một kho báu sống còn sót lại của tự nhiên: cây thủy tùng, loài thực vật cổ quý hiếm thuộc nhóm IA – nhóm gỗ quý có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất tại Việt Nam.
Đây cũng là địa phương duy nhất trên cả nước còn tồn tại loài cây này với vỏn vẹn 162 cá thể, phân bố rải rác tại ba đơn vị hành chính: thị xã Buôn Hồ, huyện Ea H’leo và huyện Krông Năng.
Điều khiến giới khoa học và bảo tồn lo ngại nhất là khả năng sinh sản cực kỳ hạn chế của thủy tùng – loài cây được ví như "không chịu đẻ". Suốt hơn 40 năm qua, Việt Nam không ghi nhận một cây thủy tùng non nào mọc tự nhiên, khiến tương lai của loài này trở nên mờ mịt.
![]() |
Một cây thủy tùng cổ thụ-cây cổ thụ này đã gần 700 năm tuổi ở Đắk Lắk. Ảnh: Báo Dân Việt |
Trong số 3 địa phương, xã Ea Ral (huyện Ea H’leo) được xem là "thủ phủ" với 142 cây. Trong đó, thị xã Buôn Hồ hiện chỉ mới ghi nhận duy nhất một cây. Một số cây cổ thụ tại đây thậm chí đã lên đến gần 700 năm tuổi, trở thành chứng nhân sống cho bao thăng trầm của núi rừng Tây Nguyên.
Không chỉ hiếm, gỗ thủy tùng còn được mệnh danh là “ngọc rừng” nhờ sở hữu nhiều đặc tính vượt trội: thớ mịn, không cong vênh, không mối mọt, càng sử dụng lâu lại càng bóng, mịn và lên màu đẹp hơn. Vân gỗ đặc sắc – khi thì như vân chuối thưa thớ, khi lại vân chỉ mảnh sát nhau – tạo nên vẻ đẹp độc đáo, không trộn lẫn với bất kỳ loại gỗ nào khác.
Gỗ thủy tùng còn được đồn thổi có thể xua đuổi côn trùng, thậm chí hỗ trợ chữa bệnh ung thư, hay mang lại vượng khí, tài lộc cho gia chủ – dù chưa có chứng cứ khoa học khẳng định. Những tin đồn này càng khiến loại gỗ này được giới đại gia, người mê đồ phong thủy, cổ vật... săn lùng ráo riết.
>> Shipper dùng ô tô điện đi giao hàng: Dòng xe được mệnh danh gà đẻ trứng vàng của VinFast
![]() |
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa XIII), tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên dự kiến sẽ hợp nhất thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới, với tên gọi là tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tổng hợp |
Chính vì vậy, các quần thể thủy tùng ở Đắk Lắk luôn là mục tiêu của lâm tặc. Chỉ cần lơ là một chút, "kho báu xanh" này có thể bị chặt trộm bất cứ lúc nào.
Trước nguy cơ đó, các lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh thông nước, đã thiết lập vòng bảo vệ nghiêm ngặt.
Ngày nắng cũng như mưa, cán bộ kiểm lâm vẫn túc trực dưới tán rừng, kết nối chặt chẽ với người dân địa phương để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, bảo vệ từng cá thể cây như báu vật quốc gia.
Cần biết thêm, ngoài Việt Nam, trên thế giới chỉ còn ghi nhận thủy tùng mọc rải rác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và Khăm Muộn (Lào). Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia duy nhất có quần thể thủy tùng tự nhiên – một điều vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm nặng nề đối với công tác bảo tồn.
>> Ngôi sao mới của Honda trong phân khúc xe số: Giá chỉ 30 triệu, xăng ăn như ngửi, động cơ mạnh hơn Wave