“Gã khổng lồ” ngành Logistics Việt Nam vừa chứng kiến điều chưa từng có trong lịch sử

Chỉ sau 3 phiên giao dịch đầu năm mới, vốn hóa Viettel Post tăng tới hơn 2.100 tỷ đồng.

Trong khi VN-Index mãi quanh quẩn mốc 1.250 điểm, nhiều cổ phiếu vẫn ngược dòng ngoạn mục. Điển hình, cổ phiếu Viettel Post (mã: VTP) bật tăng kịch trần trong phiên 6/1, tiến lên mốc 154.200 đồng/cp, đánh dấu đỉnh lịch sử mới. Giao dịch trên cổ phiếu VTP khá sôi động với gần 2,3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, cao nhất trong vòng gần 2 tháng qua.

Đáng chú ý, chỉ sau 3 phiên giao dịch từ đầu năm, vốn hóa Viettel Post tăng tới hơn 2.100 tỷ đồng, qua đó lần đầu chạm mốc 18.780 tỷ đồng. Trước đó, thị giá cổ phiếu logistics này chứng kiến đà tăng phi mã 145% trong năm 2024, vượt trội so với thị trường chung.

“Gã khổng lồ” ngành Logistics Việt Nam vừa chứng kiến điều chưa từng có trong lịch sử- Ảnh 1.

Trên thực tế, thị trường thương mại điện tử Việt Nam với tốc độ tăng trưởng mạnh được kỳ vọng kéo theo ngành Logistics "bùng nổ".

Việt Nam được dự báo là thị trường thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á, kỳ vọng đến năm 2025 thị trường TMĐT của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân CAGR khoảng 37%/năm. Tỷ lệ thâm nhập internet cao và sử dụng di động rộng rãi của Việt Nam tạo nền tảng cho sự tăng trưởng thương mại điện tử.

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, ngành logistics Việt Nam cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp logistics tăng trưởng bình quân 14-16% (tương đương 40-42 tỷ USD) mỗi năm.

Trong bối cảnh đó, thị phần chuyển phát của Viettel Post liên tục tăng trưởng, từ 16% năm 2021 lên 17,2% năm 2023, củng cố vị trí dẫn đầu trên thị trường chuyển phát nhanh.

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán SHS nhận định Viettel Post đang chuyển mình và bước vào giai đoạn tăng trưởng mới. Giai đoạn 2019-2023, VTP đạt mức tăng trưởng doanh thu kép hàng năm (CAGR) ấn tượng ở mức 25,8%. Theo dự báo của SHS, doanh thu và lợi nhuận của VTP sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2025-2030, với CAGR lần lượt đạt 25,3% và 34%.

Lợi nhuận năm 2025 và 2026 dự báo tăng trưởng bình quân 32%

SHS cho biết công ty tiếp tục đầu tư vào hệ thống hạ tầng và công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh trong ngành.

Theo dự kiến, VTP sẽ phát triển các công viên logistics, trong đó có một trung tâm lớn cửa khẩu, hiện thực hóa chiến lược “Đưa cửa khẩu từ biên giới vào sâu trong nội địa” đã được công bố từ đầu năm.

Công viên Logistics Viettel Post kết hợp với dự án cửa khẩu thông minh cung cấp toàn trình giải pháp logistics bao gồm vận tải, kho bãi, thông quan, kiểm dịch, xuất - nhập khẩu… ngay trong nội địa. Như vậy, một chuỗi cung ứng khép kín cho logistics xuyên biên giới sẽ được hình thành, được kỳ vọng rút ngắn thời gian thông quan đến 40%, cải thiện hiệu suất kho bãi 30%, và giảm chi phí quản lý kho 25%.

Bước vào năm 2025, khi công viên logistics Lạng Sơn đi vào hoạt động, nhóm phân tích dự báo VTP sẽ có thêm nguồn thu từ hoạt động này qua các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai. SHS cho rằng, mặc dù Công viên Logistics Lạng Sơn là khoản đầu tư cơ sở hạ tầng đầu tiên, nhưng sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng logistics của VTP.

Mặt khác, VTP là doanh nghiệp logistics duy nhất tại Việt Nam đầu tư vào Myanmar, Cambodia, Lào sẽ là 3 thị trường đầu tiên VTP “Go global”. Với mục tiêu xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, kết nối giữa Asean - Việt Nam - Trung Quốc, kỳ vọng là bước tiến giúp tối ưu hóa thời gian và chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp Việt, trong đó có Viettel Post.

Dựa vào những phân tích trên, nhóm phân tích SHS kỳ vọng VTP sẽ giành thêm thị phần ở mảng dịch vụ chuyển phát, bắt đầu có nguồn thu từ mảng logistics sau khi thực hiện đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở mảng logistics và các giải pháp nâng cao công nghệ, tiết giảm chi phí. SHS dự báo lợi nhuận thuần năm 2025 và 2026 tăng trưởng bình quân 32%.

“Gã khổng lồ” ngành Logistics Việt Nam vừa chứng kiến điều chưa từng có trong lịch sử- Ảnh 2.