Chứng khoán Việt Nam sau tròn 3 năm sau lập đỉnh lịch sử: Có thêm gần 5 triệu tài khoản, VN-Index “bốc hơi” 300 điểm

Từ đỉnh lịch sử 1.528 điểm 3 năm trước, trải qua bao thăng trầm, VN-Index giờ đây đang chật vật trong vùng 1.200-1.300 đểm.

Guồng quay của thị trường chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư quên mất rằng ngày này tròn 3 năm về trước VN-Index từng đạt được một cột mốc “vô tiền khoáng hậu”. Ngày 7/1/2022, đà hứng phấn có lúc đã đẩy VN-Index chạm ngưỡng 1.534 trước khi đóng cửa tại mức 1.528 điểm. Đến nay, đây vẫn là mức đỉnh cao nhất mà chứng khoán Việt Nam từng đạt được trong lịch sử.

Chứng khoán Việt Nam sau tròn 3 năm sau lập đỉnh lịch sử: Có thêm gần 5 triệu tài khoản, VN-Index “bốc hơi” 300 điểm- Ảnh 1.

3 năm trôi qua, trải qua bao thăng trầm, VN-Index giờ đây lại đang chật vật trong vùng 1.200-1.300 đểm. Những ngày tháng giao dịch sôi động chưa từng có với thanh khoản cả tỷ USD cũng gần như mất hút. Giá trị khớp lệnh trên HoSE liên tục sụt giảm xuống mức thấp thấp nhất trong vòng 19 tháng, đạt chưa đến 12.000 tỷ đồng trong tháng 12 vừa qua.

Chứng khoán Việt Nam sau tròn 3 năm sau lập đỉnh lịch sử: Có thêm gần 5 triệu tài khoản, VN-Index “bốc hơi” 300 điểm- Ảnh 2.

Dòng tiền nội hạn chế, khối ngoại lại “tháo chạy”. Kể từ khi VN-Index lập đỉnh lịch sử đến nay, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 90.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 21 tháng trở lại đây, chỉ duy nhất tháng 1/2023, khối ngoại ngừng bán ròng. Riêng trong năm 2024, giá trị bán ròng trên HoSE vượt hơn 90.000 tỷ đồng, con số kỷ lục trong lịch sử.

Chứng khoán Việt Nam sau tròn 3 năm sau lập đỉnh lịch sử: Có thêm gần 5 triệu tài khoản, VN-Index “bốc hơi” 300 điểm- Ảnh 3.

Điều đáng mừng là số lượng nhà đầu tư chứng khoán vẫn tiếp tục ra tăng. Trong 3 năm qua, Việt Nam đã có thêm gần 5 triệu tài khoản chứng khoán. Tính đến cuối tháng 12, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tổng cộng hơn 9,2 triệu tài khoản, tương đương khoảng 9% dân số, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 2025 và đang hướng đến 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Chứng khoán Việt Nam sau tròn 3 năm sau lập đỉnh lịch sử: Có thêm gần 5 triệu tài khoản, VN-Index “bốc hơi” 300 điểm- Ảnh 4.

Sau đúng 3 năm từ ngày lập đỉnh lịch sử, chứng khoán Việt Nam đang bước vào năm 2025 với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Triển vọng nâng hạng được đánh giá khả quan sau khi Thông tư 68 tháo gỡ nút thắt Pre-funding cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài là một câu chuyện đáng chờ đợi. Tuy nhiên, những biến số từ bên ngoài cũng yếu tố cần lưu ý.

Nhìn chung, bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 được đa số các CTCK, tổ chức nhận định lạc quan. Hầu hết các tổ chức đều cho rằng VN-Index có thể bứt phá mạnh về mặt điểm số, thậm chí có đơn vị dự báo chỉ số có thể vượt mốc 1.660 điểm trong năm nay.

Ngoài kỳ vọng nâng hạng, động lực của thị trường còn đến từ nền tảng vĩ mô ổn định dưới những chính sách điều hành của cơ quan quản lý, khả năng tăng trưởng doanh nghiệp tích cực và định giá duy trì hấp dẫn.

Chứng khoán Việt Nam sau tròn 3 năm sau lập đỉnh lịch sử: Có thêm gần 5 triệu tài khoản, VN-Index “bốc hơi” 300 điểm- Ảnh 5.

Bên cạnh tổ chức trong nước, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng lạc quan cho rằng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện và định giá hấp dẫn sẽ yếu tố nòng cốt dẫn dắt đà tăng của thị trường chứng khoán năm 2025.

Pyn Elite Fund tin rằng P/E VN-Index sẽ giảm xuống còn 10,1 nhờ tăng trưởng lợi nhuận của các cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2025. Dù VN-Index đang bị giới hạn trong phạm vi giao dịch 1.200 - 1.300 điểm, nhưng Pyn Elite vẫn giữ nguyên quan điểm về dài hạn VN-Index có thể cán mốc 2.500 điểm. Quỹ tin rằng các yếu tố rủi ro sẽ lùi lại phía sau và sự chú ý sẽ tập trung vào sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty niêm yết tại Việt Nam cùng với mức định giá rất hấp dẫn của thị trường.

VinaCapital dự đoán năm 2025 sẽ là một năm biến động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam vì trong nửa đầu năm tới tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND có thể bị ảnh hưởng, nhưng cả hai khả năng này có thể sẽ đảo chiều vào cuối năm. Nhóm quỹ này xem sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán là cơ hội để mua vào, động lực đến từ định giá thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn với hệ số P/E dự phóng là 12x, so với mức tăng trưởng EPS dự báo là 17%.