Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 chiều 3/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết trong 6 tháng cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Theo ông Hà, từ đầu năm đến nay, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trên cơ sở bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng.
Liên quan đến mặt bằng lãi suất, NHNN đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để duy trì ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy tín dụng. Các ngân hàng thương mại – với vai trò là đơn vị thực thi – cũng tích cực giữ ổn định lãi suất huy động nhằm tiết giảm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay. Theo thống kê, lãi suất cho vay bình quân các khoản mới phát sinh hiện ở mức khoảng 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.
Về tăng trưởng tín dụng, NHNN đặt mục tiêu cả năm 2025 tăng khoảng 16%, có điều chỉnh linh hoạt tùy theo tình hình thực tế. Tính đến ngày 26/6/2025, dư nợ toàn hệ thống đạt hơn 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024 – mức tăng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay. So với cùng kỳ năm trước, tín dụng tăng tới 18,87%.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục được phân bổ phù hợp với cơ cấu nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 6,37%; công nghiệp chế biến – chế tạo chiếm 12,84%; xây dựng chiếm 7,53% (bao gồm cả các dự án hạ tầng); bán buôn – bán lẻ và các ngành dịch vụ khác chiếm 23,74%.
Đáng chú ý, các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giữ tỷ trọng cao. Tín dụng dành cho khu vực nông nghiệp – nông thôn hiện chiếm 23,16%, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,51%. Các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt trội, lần lượt đạt 15,69% và 17,59% – gần gấp đôi tốc độ tăng chung toàn hệ thống.
![]() |
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/7. (Ảnh: NHNN) |
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục tích cực giải ngân theo chỉ đạo của Chính phủ. Chương trình tín dụng lĩnh vực lâm – thủy sản đã được nâng quy mô từ 15.000 tỷ lên 100.000 tỷ đồng và đang triển khai hiệu quả. Các chương trình tín dụng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang được triển khai tích cực. Ngoài ra, gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội, hỗ trợ người trẻ dưới 35 tuổi thuê, mua nhà ở xã hội và gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số cũng đang được các ngân hàng đẩy mạnh thực hiện.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng của Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng phù hợp với thực tiễn, đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
>> Phó Thống đốc NHNN: Dư nợ tín dụng nửa đầu năm tăng cao nhất kể từ 2023