Dư nợ margin toàn thị trường liên tiếp lập kỷ lục dù VN-Index vẫn "loanh quanh" 1.200 điểm, điều gì đang diễn ra?

Lượng margin mà nhà đầu tư đang vay chiếm tới gần 5% vốn hoá của hai sàn HOSE và HNX cộng lại.

280.000 tỷ đồng là ước tính dư nợ cho vay tại nhóm công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý 1/2025. Đây là con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, tăng 35.000 tỷ chỉ sau 3 tháng đầu năm. Cần phải lưu ý, đây là dư nợ chưa bao gồm cho vay 3 bên cũng như các "kho" và nếu tính thêm từ nguồn này, con số thực tế có thể lớn hơn.

Tại cùng thời điểm 31/3/2025, vốn hoá cổ phiếu niêm yết trên hai sàn HoSE và HNX đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ Dư nợ cho vay/Vốn hoá hai sàn chứng khoán niêm yết ước đạt 4,8%. Con số này tiếp tục nhích thêm gần 0,4 điểm % so với mức kỷ lục hồi cuối năm 2024, qua đó thiết lập cột mốc mới trong lịch sử.

Hiểu đơn giản, lượng margin mà nhà đầu tư đang vay chiếm tới 4,8% vốn hoá của HOSE và HNX cộng lại tính tới cuối quý 1/2025. Tỷ lệ này vào cuối quý 1/2024 chỉ là 3,7%. Tốc độ tăng trưởng margin đang nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng vốn hoá. Cụ thể, so với cuối năm 2024, vốn hoá của HOSE đã tăng 5% nhưng lượng margin đã tăng tới hơn 14%. Trong khi đó điểm số VN-Index vẫn loanh quanh vùng 1.200 điểm. Điều này cho thấy nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng mạnh tay hơn trong việc vay nợ để đầu tư .

Dư nợ margin toàn thị trường liên tiếp lập kỷ lục dù VN-Index vẫn "loanh quanh" 1.200 điểm, điều gì đang diễn ra?- Ảnh 1.

Thực tế, sử dụng đòn bẩy (margin) là một trong những công cụ đắc lực giúp nhà đầu tư gia tăng nhanh quy mô tài khoản của mình nếu sử dụng hợp lý, đẩy thanh khoản lên mức dồi dào và tạo động lực cho đà đi lên về điểm số của thị trường chung. Song cần lưu ý margin tăng quá cao cũng có thể mang tới rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại khi diễn biến thị trường tài chính toàn cầu đang có nhiều biến số, tác động trực tiếp tới các thị trường khu vực trong đó có Việt Nam.

Theo quan điểm của Ông Bùi Văn Huy , Giám đốc điều hành CN TP. Hồ Chí Minh – CTCK DSC, Chủ tịch CTCP 1IB , dư nợ margin trên thị trường chứng khoán Việt Nam phản ánh 2 thực tế nổi bật trong quý 1/2025.

Thứ nhất, nhà đầu tư đang sử dụng công cụ đòn bẩy (margin) tương đối lớn để đánh cược đà đi lên của thị trường chung, đồng thời cân lại với áp lực bán ròng triền miên của khối ngoại. Thị trường tỏ ra tương đối bị động trước những biến động toàn cầu, dẫn đến lượng hàng bị kẹp margin là không nhỏ. Hoạt động bán giải chấp cổ phiếu đã diễn ra trong nhịp giảm sâu vừa qua, tuy nhiên tình trạng margin vẫn chưa thực sự hết căng cứng. Rủi ro margin vẫn hiện hữu nếu kịch bản thị trường điều chỉnh diễn ra. Chỉ một nhịp giảm mạnh sẽ kéo theo hiện tượng "call margin", từ đó gây áp lực ngược trở lại và dễ khiến thị trường giảm sâu hơn.

Thứ hai, dư nợ margin trên thị trường chứng khoán từ lâu còn được xem là kênh thay thế một phần cho kênh ngân hàng. Đây được gọi là xu hướng “ngân hàng hoá” CTCK hay ở một góc độ nào đó có thể coi là “shadow banking” trong bối cảnh việc tiếp cận vốn vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu gặp nhiều khó khăn hơn. Dư nợ cho vay tại CTCK khi ấy được sử dụng nhằm phục vụ các cổ đông lớn vay vốn thông qua việc thế chấp cổ phiếu thay vì chỉ là công cụ đòn bẩy cho nhà đầu tư chứng khoán. Theo chuyên gia, Việt Nam hiện là thị trường có tỷ lệ margin/vốn hóa cao nhất thế giới và cần có những định hướng rõ ràng hơn về hoạt động cho vay tại các công ty chứng khoán, tránh rủi ro cho thị trường và nhà đầu tư khi gặp những cú sốc lớn.

Đáng nói, dù dư nợ cho vay cao kỷ lục, doanh thu môi giới lại sụt giảm quý thứ 3 liên tiếp. Tính riêng trong quý 1/2025 các CTCK thu từ môi giới gần 2.700 tỷ, giảm gần 1.200 tỷ (-31%) so với cùng kỳ 2024. Điều này càng phản ánh việc dư nợ cho vay được sử dụng như "shadow banking" chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Dòng vốn vay không được sử dụng vào đầu tư chứng khoán khi nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự hứng thú gia nhập.

Bàn về kết quả kinh doanh nhóm chứng khoán 3 tháng đầu năm, ông Huy nhận định lợi nhuận các công ty chứng khoán quý 1 chưa phản ánh nhịp giảm sâu vừa qua do diễn biến rơi vào đầu tháng 4. Do đó đà tăng trưởng sẽ tập trung chủ yếu vào lãi vay margin sau giai đoạn ồ ạt tăng vốn. Tuy nhiên, nếu tính ROE và EPS pha loãng, chuyên gia nhận định hiệu quả chung của ngành đang kém đi do mức độ cạnh tranh ngày một gay gắt.

Dư nợ margin toàn thị trường liên tiếp lập kỷ lục dù VN-Index vẫn "loanh quanh" 1.200 điểm, điều gì đang diễn ra?- Ảnh 2.