Ngày 7/5, đồng USD giữ ổn định khi thị trường tài chính toàn cầu hướng sự chú ý đến cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – nơi Chủ tịch Jerome Powell được kỳ vọng sẽ phát tín hiệu "chờ thêm dữ liệu" trước khi đưa ra quyết định tiếp theo.
Tâm lý thị trường tạm thời ổn định sau thông tin rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt đầu nối lại đàm phán thương mại vào thứ Bảy, ngày 10/5 (giờ Việt Nam), làm dịu bớt những lo ngại về một cuộc chiến thương mại leo thang vốn đã gây áp lực lên đồng bạc xanh.
Các nhà đầu tư lớn tại châu Á, đặc biệt tại những thị trường mới nổi có lợi suất thấp, đã rút bớt vốn khỏi tài sản bằng USD trong tuần qua, dẫn đến làn sóng điều chỉnh trên thị trường ngoại hối.
Đáng chú ý, đồng Đài tệ đã tăng kỷ lục hơn 10% so với USD kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế thương mại mới hôm 2/4. Tuy nhiên, đến ngày 7/5, đồng Đài tệ đã điều chỉnh giảm nhẹ 0,65%. Đồng won Hàn Quốc mở cửa ở mức cao nhất trong 6 tháng nhưng cũng giảm trở lại trong phiên.
Tại Trung Quốc, đồng nhân dân tệ suy yếu sau khi Ngân hàng Trung ương nước này công bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần đầu tiên trong năm 2025, nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại.
Chỉ số Dollar Index (DXY) gần như không thay đổi trong ngày 7/5, sau khi giảm 0,2% trong ba phiên liên tiếp trước đó. Đồng euro mất 0,2%, giao dịch ở mức 1,1340 USD/EUR, một phần do tâm lý chốt lời sau khi Friedrich Merz được bầu làm Thủ tướng Đức.
![]() |
Tâm lý thị trường tạm thời ổn định sau thông tin rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt đầu nối lại đàm phán thương mại vào thứ Bảy, ngày 10/5 (giờ Việt Nam). (Ảnh: Reuters) |
>> Đồng Nhân dân tệ bật tăng mạnh, USD tiếp tục chịu áp lực giảm
Theo giới phân tích, Fed nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp lần này, nhưng kỳ vọng cắt giảm lãi suất có thể xuất hiện vào tháng 7. Dù vậy, không ít chuyên gia cho rằng lạm phát cao vẫn là rào cản lớn khiến Fed chưa thể nới lỏng chính sách ngay trong năm nay.
Thị trường chứng khoán Mỹ bật xanh khi Nhà Trắng xác nhận Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Trưởng đoàn đàm phán thương mại Jamieson Greer sẽ gặp gỡ quan chức kinh tế hàng đầu Trung Quốc tại Thụy Sĩ vào ngày 10/5.
“Thị trường chuyển hướng sau khi Mỹ công bố thông tin về các cuộc đàm phán sắp tới với Trung Quốc. Cần theo dõi liệu đàm phán có đi đến kết quả hay không”, nhà phân tích Jessica Amir tại Moomoo bình luận.
Bà cũng lưu ý rằng giá vàng đã tăng tới 31% từ đầu năm và có thể tiếp tục tăng nếu đồng USD tiếp tục suy yếu.
Tại châu Á, sau cú tăng sốc 10% trong hai ngày của đồng Đài tệ, thị trường tiền tệ có phần bình ổn hơn vào ngày 7/5. Đồng yên Nhật giảm 0,4%, kết thúc chuỗi ba phiên tăng liên tiếp, khi thị trường Nhật Bản mở cửa lại sau kỳ nghỉ lễ.
George Saravelos, Giám đốc toàn cầu mảng nghiên cứu ngoại hối tại Deutsche Bank, cảnh báo rằng biến động cực đoan tại thị trường Đài Loan là “lời cảnh báo” cho các đồng tiền khác trong khu vực – nơi các nhà đầu tư tổ chức đang nắm giữ lượng lớn tài sản bằng USD chưa được phòng hộ.
Ông đặc biệt đề cập đến đồng yên Nhật như một đồng tiền có thể chịu tác động nếu làn sóng bán USD lan rộng.
Hiện có khoảng 33 nghìn tỷ USD đầu tư toàn cầu đang nằm trong các tài sản Mỹ, trong đó 14,6 nghìn tỷ USD là trái phiếu tính đến cuối năm 2024. Phần lớn các khoản đầu tư này chưa được phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Nhật Bản – với các tổ chức như Quỹ hưu trí GPIF và các công ty bảo hiểm nhân thọ – là những chủ sở hữu lớn nhất tài sản Mỹ, với mức tiếp cận khoảng 2 nghìn tỷ USD tính đến cuối năm 2023.
Một đồng yên mạnh sẽ khiến lợi suất đầu tư tính theo nội tệ của họ suy giảm – điều mà các nhà đầu tư không mong muốn trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn nhiều bất định.
Theo Reuters
>> Tỷ giá trung tâm tăng mạnh quý I, tiến gần đến mốc 25.000 VND/USD