Công ty Chứng khoán VPBankS (VPBS) vừa công bố báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ngày 6/5. Trong đó, cổ phiếu ACB được đánh giá có tiềm năng tăng giá lên tới 33,1%, cộng thêm tỷ suất cổ tức 4,2%, đưa tổng tỷ suất sinh lời kỳ vọng lên đến 37,2% – một con số nổi bật trong nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện nay.
Trong quý I/2025, thu nhập lãi thuần (NII) của ACB giảm 5,4% so với cùng kỳ, xuống còn 6.360 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc NIM tiếp tục bị nén: NIM TTM giảm 21 điểm cơ bản, còn 3,49%; NIM quy đổi năm giảm mạnh hơn – tới 92 điểm cơ bản, còn 3,24%.
Áp lực này phản ánh chi phí huy động tăng trong khi lãi suất cho vay giảm do cạnh tranh gay gắt nhằm giữ thị phần. Lãi suất tiền gửi trung bình tăng 50 điểm cơ bản lên 3,7%, trong khi lãi suất cho vay trung bình giảm 30 điểm cơ bản xuống 7,5%. Bên cạnh đó, ACB mất gần 3.800 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) so với quý trước.
Tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 3,1% trong quý I – thấp hơn mức trung bình toàn ngành (3,93%). Phần lớn tăng trưởng tập trung ở mảng cho vay ngắn hạn (+3,5%). Cho vay SME tiếp tục tăng chậm (+0,4%), trong khi mảng cho vay ký quỹ qua công ty con ACBS tăng mạnh 8,4%.
![]() |
Nguồn: VPBS |
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của ACB trong quý I giảm nhẹ xuống còn 1,48% (tức giảm 10 điểm cơ bản so với quý IV/2024). Ngân hàng tiếp tục chủ động xóa nợ xấu với tốc độ +10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, để đảm bảo bộ đệm dự phòng, ACB đã tăng chi phí dự phòng thêm 22% lên 626 tỷ đồng – dù vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) vẫn giảm còn 72%.
Ban lãnh đạo đặt mục tiêu kéo tỷ lệ nợ xấu xuống còn 1,2% vào cuối năm, tuy nhiên VPBS đưa ra dự báo thận trọng hơn, ở mức 1,6%, trong bối cảnh môi trường vĩ mô còn nhiều biến động.
Thu nhập ngoài lãi tăng 5,3% so với cùng kỳ, đạt 1.560 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ thẻ tăng vượt trội tới 161%, trở thành điểm sáng trong cơ cấu doanh thu. Ở chiều ngược lại, doanh thu bancassurance tiếp tục giảm 33%, hiện chỉ còn chiếm 23% tổng thu nhập phí – thấp hơn đáng kể so với mức hơn 35% thường thấy trước đây.
Ngoài ra, các nguồn thu khác như kinh doanh ngoại hối và vàng tăng gấp đôi, thu nhập khác tăng gấp ba lần, cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản và nhu cầu bán lẻ ngoại tệ đã tạo lực đẩy mới cho hoạt động phi tín dụng.
Chi phí hoạt động trong quý I giảm 2,6% so với cùng kỳ, xuống còn 2.700 tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) duy trì ở mức 34%, thấp hơn mức trung bình ba năm gần nhất (35,3%).
Lợi nhuận hoạt động trước dự phòng (PPOP) đạt 5.200 tỷ đồng, giảm nhẹ 3%, cho thấy biên lợi nhuận cốt lõi vẫn được duy trì ổn định bất chấp áp lực từ NIM và dự phòng.
Với mức định giá hiện tại, VPBS cho rằng cổ phiếu ACB đang ở vùng hấp dẫn, đặc biệt khi so với các ngân hàng cùng quy mô. Triển vọng tăng trưởng ổn định, định hướng thận trọng và tỷ suất cổ tức đều là những yếu tố khiến ACB được khuyến nghị mua, với tổng tỷ suất sinh lời kỳ vọng lên tới 37,2% trong thời gian tới.
>> Ngân hàng ‘0 đồng’ lột xác ra sao dưới tay các ông lớn?