Đề xuất viên chức được tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đã quy định thêm đối tượng được thành lập, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp bao gồm viên chức.

Sáng 9/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án Luật đã rà soát, hoàn thiện bám sát các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước và xử lý các vướng mắc, bất cập tại Luật Doanh nghiệp.

Dự thảo Luật sửa đổi, hoàn thiện 16 nội dung, trong đó, sửa đổi bổ sung về đối tượng được thành lập doanh nghiệp bao gồm viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Trường hợp viên chức là người lao động thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập; trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp (điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 17).

Đề xuất viên chức được tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Media Quốc hội).

Nêu lý do việc sửa đổi này, ông Thắng cho biết, Nghị định số 193 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã quy định viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức, viên chức.

Để thể chế hoá quy định này, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2025 ngày 13/4/2025 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15.

Đồng thời, tại dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo kèm theo Tờ trình số 262 ngày 23/4/2025 của Chính phủ trình Quốc hội, nội dung này cũng được thể chế tại dự thảo Luật cho phép viên chức làm việc tại tổ chức khoa học công nghệ được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Do vậy, ông Thắng cho biết, việc bổ sung quy định tại dự thảo Luật nhằm thống nhất các quy định pháp luật hiện hành.

Đề xuất viên chức được tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp- Ảnh 2.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính (Ảnh: Media Quốc hội).

Thẩm tra nội dung này, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, dự thảo Luật theo Tờ trình số 286 đã tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc rà soát các quy định có liên quan tại các dự án Luật cùng trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9.

Cùng với đó, quy định thống nhất tại dự án Luật này các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp theo hướng sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp, bổ sung trường hợp viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền góp vốn vào doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Lạm phát tăng, gần 100.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 4 tháng đầu nămNghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân: Mở đường cho đội ngũ doanh nghiệp lớn lên

Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị nghiên cứu chỉnh lý quy định tại Điều 17 theo hướng súc tích hơn, loại trừ trường hợp pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có quy định khác.

Các trường hợp cụ thể trực tiếp thể chế hóa Nghị quyết số 57 về viên chức được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp là nội hàm chính sách của dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Nghị quyết số 193/2025/QH15; khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội, khoản 7 Điều 49 và Điều 55 dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo theo Tờ trình số 262 ngày 23/4/2025 của Chính phủ đã có quy định về các điều kiện cụ thể này.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc nhắc lại quy định tại Luật Doanh nghiệp vừa không cần thiết, vừa tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm đồng bộ giữa các dự án Luật cùng trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, vừa không rõ mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Nghị quyết số 193/2025/QH15 cùng là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành cùng quy định về một vấn đề.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát Luật Viên chức để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để chặn DN đăng ký vốn ảo

Về quản trị doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, để xử lý các vướng mắc, bất cập này và tăng cường hiệu quả của công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp, dự thảo Luật sửa đổi một số nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động của các loại hình doanh nghiệp.

"Sửa đổi một số quy định để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là việc "hậu kiểm" nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, vốn khống, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp", ông Thắng nêu.

Dự án Luật cũng đẩy mạnh việc tích hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường công khai minh bạch thông tin, tạo sự an toàn cho người dân, doanh nghiệp về môi trường kinh doanh.