Tại hội nghị triển khai nghị định thư mới về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, bà Đỗ Thị Thu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết một trong những điểm thay đổi lớn trong quy định lần này là yêu cầu sản phẩm tổ yến phải được kiểm tra dư lượng nhôm, giới hạn tối đa là 100mg/kg sản phẩm khô.
Lý do được phía Trung Quốc đưa ra là nhằm hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng chất tẩy trắng trong quá trình sơ chế tổ yến, mà thành phần chính là nhôm để làm sạch và làm sáng màu sản phẩm. Việc sử dụng chất này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu tồn dư vượt mức cho phép.
Chỉ tiêu này không chỉ áp dụng cho Việt Nam mà còn với cả các quốc gia xuất khẩu tổ yến khác như Indonesia hay Malaysia. Đây là biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và minh bạch chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
![]() |
Tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải được kiểm tra dư lượng nhôm. Ảnh minh họa |
>> Sữa giả 'đội lốt' tổ yến, đông trùng dành cho người tiểu đường, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai lưu hành trên thị trường suốt 4 năm thu về 500 tỷ
Cùng với chỉ tiêu dư lượng nhôm, nghị định thư mới còn quy định bắt buộc tổ yến xuất khẩu phải được xử lý ở nhiệt độ trên 70 độ C trong ít nhất 3,6 giây. Quy trình này nhằm tiêu diệt virus cúm gia cầm và Newcastle, hai tác nhân dịch bệnh có thể lây lan từ môi trường nuôi yến.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với từng lô hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, điểm thuận lợi là không cần giấy chứng nhận xuất xứ, giúp giảm bớt một bước trong khâu thủ tục hành chính.
Tổ yến là mặt hàng có giá trị cao nhưng sau 4 năm ký kết nghị định thư với Trung Quốc, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được hơn 4 tấn sản phẩm, thu về khoảng 4 triệu USD. Một phần nguyên nhân đến từ việc Việt Nam tiếp cận thị trường muộn hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Thêm vào đó, công nghệ chế biến, quy trình kiểm dịch và kiểm soát chất lượng còn hạn chế đã khiến sản phẩm Việt khó cạnh tranh về giá và mẫu mã.
![]() |
Đồng thời, doanh nghiệp phải có chứng nhận an toàn dịch bệnh với từng lô hàng. Ảnh minh họa |
>> Tổ yến giá chỉ 9.000 đồng bán tràn lan qua livestream làm từ bột rau câu, lòng trắng trứng đang đe dọa thị trường tỷ đô
Việc bổ sung yêu cầu xét nghiệm dư lượng nhôm tiếp tục là một thử thách mới, buộc các doanh nghiệp phải đầu tư vào hệ thống sản xuất đạt chuẩn và cải thiện khâu kiểm tra nội bộ. Nhiều cơ sở quy mô nhỏ hiện chưa có đủ năng lực kỹ thuật để tự xét nghiệm, trong khi dịch vụ kiểm định bên ngoài còn hạn chế và chi phí cao.
Không chỉ kiểm tra sản phẩm, nghị định thư mới còn yêu cầu doanh nghiệp phải khai báo năng lực sản xuất phù hợp với thực tế. Nếu một cơ sở khai có thể chế biến hàng chục tấn yến mỗi tháng nhưng thực tế chỉ có máy móc nhỏ lẻ, không đảm bảo công suất, thì sẽ bị xem là không trung thực và có thể bị loại khỏi danh sách đủ điều kiện xuất khẩu.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng trở thành tiêu chí bắt buộc. Trung Quốc từng ghi nhận một số trường hợp doanh nghiệp Việt Nam khai báo sản lượng lớn hơn thực tế hoặc sử dụng nguyên liệu từ yến nhập khẩu giá rẻ để “lách” kiểm dịch, gây mất lòng tin từ phía đối tác.
>> Ớt, chanh leo, tổ yến... Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc