"Hình mẫu phụ nữ trong kinh doanh"
Là một trong những hoạt động trọng điểm của TP.HCM nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lễ tôn vinh 60 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố (giai đoạn 1975-2025) vừa được diễn ra trọng thể tại Nhà hát Thành phố. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, danh sách này được đề cử bởi các nguyên lãnh đạo Thành phố và trải qua quá trình lựa chọn hết sức chặt chẽ, đúng quy trình với sự thống nhất của Thường trực Thành ủy cũng như sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
"Lễ tôn vinh hôm nay nhằm ghi nhận những đóng góp và khẳng định tầm quan trọng của những cá nhân tiêu biểu với sự phát triển bền vững của Thành phố. Đồng thời, tạo động lực cho thế hệ trẻ noi theo, tiếp nối sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố, lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong xã hội, truyền cảm hứng cho sự cống hiến, trách nhiệm và sáng tạo trong công việc", ông đánh giá.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được (thứ hai từ phải sang) cùng các đại biểu trong Top 60 Cá nhân tiêu biểu của Thành phố. (Ảnh: Nguyễn Hoàng).
Riêng top 5 cá nhân tiêu biểu được vinh danh trong lĩnh vực kinh tế, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Mai Kiều Liên - là nữ doanh nhân duy nhất vẫn đang giữ vai trò điều hành doanh nghiệp với cương vị thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám Đốc của Vinamilk. Trước đó, Vinamilk cũng vừa được vinh danh trong Top 50 doanh nghiệp, đơn vị tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Trong danh sách được công bố, ban tổ chức đánh giá bà là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc và gây ảnh hưởng sâu rộng nhất trong ngành sữa tại Việt Nam.
"Sự nhạy bén trong việc nắm bắt và áp dụng các xu hướng thị trường, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng thực phẩm sạch và hữu cơ, đã giúp Vinamilk không ngừng gia tăng sức mạnh cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Bà đã được vinh danh trong danh sách ‘Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam’ vào năm 2017. Bà không chỉ là một hình mẫu cho phụ nữ trong kinh doanh mà còn là một biểu tượng của sự cống hiến, lòng kiên trì và khát vọng vươn lên trong cuộc sống", trích từ bản công bố.
Chia sẻ về cảm xúc khi được tôn vinh cùng với các tên tuổi lớn, bà Liên cho biết, bản thân rất xúc động, biết ơn và tự hào. "Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình từ đây về sau càng nặng hơn nữa để làm sao cùng công ty đóng góp nhiều hơn cho Thành phố, cho đất nước, đưa ngành sữa Việt Nam vươn cao hơn trên thế giới và trở thành công ty đa quốc gia của Việt Nam về ngành sữa", bà nói.
Tầm nhìn tự chủ nguồn dinh dưỡng chất lượng cao cho trẻ em Việt Nam
Gia nhập Vinamilk năm 1976 – thời điểm ngành sữa trong nước gần như chưa có và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao sau chiến tranh, bà Mai Kiều Liên đã tự đặt cho mình trọng trách, làm sao "để mọi trẻ em Việt Nam đều có quyền bình đẳng tiếp cận với các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng tốt nhất". Từ tầm nhìn này, bà cùng các cộng sự đã từng bước đặt những viên gạch đầu tiên, xây dựng nền tảng cho ngành sữa Việt Nam hiện nay.
Một trong những quyết định cho thấy tầm nhìn vượt thời đại của vị doanh nhân này là khởi xướng cuộc "cách mạng trắng", phát động phong trào chăn nuôi bò sữa tại Củ Chi, Hóc Môn rồi lan sang tỉnh, thành khác trong cả nước. Chính thành công của cuộc cách mạng này đã xóa tan định kiến: "Việt Nam không thể phát triển đàn bò sữa" và trở thành tiền đề để xây dựng ngành chăn nuôi bò sữa quy mô, hiện đại ngày nay.
Dưới sự dẫn dắt của nữ CEO này, năm 2013, Vinamilk đã khánh thành 2 siêu nhà máy có quy mô lớn và sử dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới. Thời điểm đi vào hoạt động, riêng công suất 2 nhà máy này đã gấp nhiều lần tổng công suất của Vinamilk hiện có và ứng dụng những công nghệ chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam như robot vận chuyển thông minh, kho tự động… Cột mốc này không chỉ giúp Vinamilk gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu mà còn nâng tầm vị thế của ngành sữa Việt Nam trên bản đồ thế giới, từ chỗ không có lợi thế phát triển trở thành quốc gia sở hữu những nhà máy sản xuất sữa hàng đầu khu vực.

Dưới sự dẫn dắt của bà Mai Kiều Liên, Vinamilk là doanh nghiệp tiên phong sở hữu 2 siêu nhà máy sữa nước và sữa bột tại Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Hoàng).
Gắn liền với Vinamilk từ những ngày đầu khó khăn sau chiến tranh đến vị trí Top 6 thương hiệu sữa toàn cầu và thứ 36 thế giới về doanh thu, bà Mai Kiều Liên còn có công lớn trong việc nâng cao thể trạng cho các thế hệ người dân Việt Nam. Bên cạnh việc giữ mặt bằng giá sữa ở mức dễ tiếp cận cho số đông, Vinamilk đã có nhiều chương trình dài hạn giúp trẻ em mọi vùng miền có cơ hội được uống sữa mỗi ngày. Nổi bật là chương trình Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam đã được triển khai liên tục suốt 18 năm qua, với gần 43 triệu hộp sữa đã được trao cho hơn 550.000 trẻ em hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước.
"Những chuyện đó đều không thể làm được nếu không có tầm nhìn toàn cầu, quyết tâm lớn và chiến lược đúng đắn. Tôi vẫn nói, bà Mai Kiều Liên và một doanh nhân có tầm nhìn và bản lĩnh vượt trội, không chỉ so sánh trong bối cảnh Việt Nam mà còn cả khu vực", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá.

Khởi động hành trình năm thứ 18 đúng kịp kỷ niệm 50 thống nhất đất nước, Quỹ sữa vươn cao Việt Nam của Vinamilk đã dành tặng 500.000 hộp sữa đến 11.000 trẻ em (Ảnh: Nam Anh).
Tốt nghiệp chuyên ngành chế biến sữa tại Nga, bà Mai Kiều Liên trở về Việt Nam và gia nhập Vinamilk từ năm 23 tuổi. Năm 29 tuổi, bà đảm nhiệm vị trí Phó giám đốc của nhà máy sữa lớn và trở thành Tổng giám đốc Vinamilk khi chưa đầy 40 tuổi. Chỉ 10 năm sau đó, bà được vinh danh là một trong 50 Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á./.