
Cảnh giác với thủ đoạn giả danh Công an lừa đảo hỗ trợ cập nhật thông tin định danh cá nhân để chiếm đoạt tiền. Ảnh: Phòng PA09, Công an tỉnh Bình Thuận
Qua công tác phối hợp điều tra với Công an các tỉnh liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra trên không gian mạng do một tổ chức lừa đảo có trụ sở tại nước ngoài thực hiện; Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận thông tin để công dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phòng ngừa, cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng.
Cụ thể, các tổ chức lừa đảo thường thành lập và hoạt động ở nước ngoài với phương thức, thủ đoạn giả danh cán bộ Công an gọi điện thoại yêu cầu công dân cập nhật thông tin căn cước trực tuyến bằng cách cài đặt ứng dụng chứa mã độc trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android sau đó chiếm quyền sử dụng điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại. Các đối tượng tham gia tổ chức được các đối tượng quản lý chia làm 03 nhóm được phân công nhiệm vụ cụ thể:
Nhóm 1: Sử dụng máy tính bàn; thiết bị kết nối với máy tính có chức năng gọi điện; đóng giả cán bộ Công an cấp xã, phường gọi điện thoại cho bị hại thông báo cho bị hại các thông tin liên quan đến mã định danh cá nhân, thủ tục khai báo làm căn cước, đồng bộ dữ liệu căn cước... để yêu cầu, hướng dẫn làm các thủ tục liên quan đến cập nhật thông tin căn cước, kê khai thủ tục cấp căn cước trực tuyến. Sau đó, yêu cầu công dân liên hệ với đối tượng là “Nhóm 2” để tiếp tục được hướng dẫn cập nhật thông tin căn cước.
Nhóm 2: Có nhiệm vụ đóng giả cán bộ Công an đội Quản lý hành chính Công an cấp quận, huyện, Phòng QLHC công an cấp tỉnh hỗ trợ hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục liên quan đến Căn cước qua ứng dụng hành chính công online trên ứng dụng Zalo bằng tính năng gọi video, nhưng đối tượng không để cho bị hại thấy được mặt mình. Khi bị hại đã tin các đối tượng là Công an thật thì đối tượng gửi cho bị hại một đường link và yêu cầu bấm vào để tải ứng dụng về máy điện thoại, hoặc tìm kiếm tên ứng dụng trên CH Play (tên và biểu tượng của ứng dụng thường gần giống với các ứng dụng “Dịch vụ công”, VNeID hoặc các ứng dụng tương tự của chính phủ để khiến bị hại nhầm lẫn). Các ứng dụng này chứa mã độc có chức năng theo dõi và chiếm quyền sử dụng điện thoại của người khác. Sau khi bị hại bấm vào đường liên kết, tải ứng dụng và làm theo các bước đối tượng yêu cầu thì lúc này trên máy tính của đối tượng Nhóm 3 đã chiếm đoạt được quyền sử dụng điện thoại của bị hại, nghĩa là có thể ngầm theo dõi và thực hiện các thao tác trên điện thoại của bị hại.
Nhóm 3: Có nhiệm vụ sử dụng máy vi tính truy cập điện thoại của bị hại đã bị chiếm quyền điều khiển để đăng nhập các ứng dụng ngân hàng của bị hại nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bị hại.
Để lấy được tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại cần phải có mật khẩu tài khoản và nhận dạng khuôn mặt chủ tài khoản. Do vậy, đối tượng đã yêu cầu bị hại trả 5.000đ - 15.000 đồng tiền phí làm căn cước bằng cách yêu cầu bị hại chuyển tiền đến tài khoản của kho bạc nhà nước hoặc quét mã QR để chuyển tiền. Khi bị hại thực hiện nhập mật khẩu chuyển tiền thì đối tượng đã theo dõi và ghi lại mật khẩu chuyển tiền (đồng thời lúc này đối tượng có thể can thiệp để không thực hiện được giao dịch này và nói lại bị lỗi).
Đối với việc nhận dạng bằng khuôn mặt chủ tài khoản thì đối tượng lấy lý do cần phải nhận dạng khuôn mặt để làm căn cước (nếu làm hộ người thân thì đối tượng nói người kê khai hộ cũng phải nhận dạng khuôn mặt) nên đã hướng dẫn bị hại quay toàn bộ khuôn mặt vào máy quay điện thoại qua ứng dụng vừa cài đặt nhiều lần để đối tượng có thể lấy nhận dạng khuôn mặt chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng của bị hại. Từ đó đối tượng đã duy trì việc đăng nhập tài khoản Ngân hàng của bị hại và chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng này sang ngân hàng khác để chiếm đoạt mà bị hại vẫn chưa biết.
Để phòng tránh việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ tài khoản ngân hàng, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận khuyến cáo công dân lưu ý một số nội dung:
Thứ nhất, chỉ thực hiện các thủ tục liên quan đến căn cước qua các kênh chính thức như Cổng Dịch vụ công Quốc gia (dichvucong.gov.vn), Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc ứng dụng VNeID để đăng ký thời gian, địa điểm thủ tục và đến trực tiếp cơ quan công an địa phương để thực hiện thủ tục. Không có chuyện “làm căn cước online hoàn toàn”. Công dân thường xuyên kiểm tra tình trạng căn cước của mình trên Cổng Dịch vụ công để phát hiện sớm nếu có dấu hiệu bị sử dụng trái phép.
Thứ hai, cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn từ số điện thoại lạ hoặc không rõ danh tính, đặc biệt khi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, ngày sinh, số căn cước) cho bất kỳ ai qua điện thoại, tin nhắn, email không rõ nguồn gốc. Mã OTP và mã PIN tài khoản ngân hàng là chìa khóa để kẻ gian chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc dịch vụ liên quan đến căn cước, tuyệt đối không chia sẻ dưới bất kỳ hình thức nào. Không chụp ảnh căn cước hoặc giấy tờ tùy thân gửi qua các ứng dụng không an toàn như Zalo, Messenger nếu không thực sự cần thiết. Quy trình làm căn cước chính thức không yêu cầu nộp phí qua tin nhắn hoặc tài khoản ngân hàng cá nhân: Mọi khoản phí đều được thực hiện trực tiếp tại cơ quan công an hoặc qua cổng dịch vụ công có biên lai rõ ràng.
Thứ ba, không nhấp vào các đường link trong tin nhắn, email hoặc quảng cáo không rõ nguồn gốc liên quan đến việc làm căn cước. Kiểm tra kỹ địa chỉ website trước khi nhập thông tin (ví dụ: website chính thức của các cơ quan chính phủ thường có đuôi .gov.vn).
Thứ tư, nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo (như mất tiền, bị đánh cắp thông tin), lập tức trình báo cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ. Đồng thời tố giác các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, website hoặc ứng dụng có dấu hiệu lừa đảo để cơ quan chức năng xử lý kịp thời.