Trong quá trình đồng bộ thông tin cá nhân, nhiều người dân phát hiện mình có hai mã số thuế (MST) do thay đổi từ chứng minh nhân dân (CMND) sang căn cước công dân (CCCD). Điều này đặt ra câu hỏi: Khi quyết toán thuế, họ cần xử lý thế nào?
Một độc giả phản ánh trên Cổng thông tin Hỏi đáp chính sách của Bộ Tài chính rằng anh có hai MST: Một MST cấp năm 2016 theo CMND 9 số, thời điểm còn là sinh viên và chưa phát sinh thu nhập. MST thứ hai cấp năm 2021 theo CCCD 12 số và hiện là MST chính để nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Vậy trong trường hợp này, cần làm gì để hợp nhất dữ liệu thuế?
Theo Tổng cục Thuế, Thông tư số 86/2024 của Bộ Tài chính quy định, cá nhân có nhiều MST phải cập nhật số định danh cá nhân để cơ quan thuế tích hợp các mã số thuế vào một dữ liệu duy nhất. Khi quá trình này hoàn tất, các hóa đơn, chứng từ, hồ sơ thuế trước đó vẫn có hiệu lực pháp lý mà không cần điều chỉnh thông tin MST.
![]() |
Với trường hợp có hai MST, người dân cần nhanh chóng cập nhật số định danh cá nhân để đảm bảo thống nhất dữ liệu và tránh phát sinh vướng mắc khi quyết toán thuế. |
Cũng theo Thông tư này, MST của cá nhân, hộ kinh doanh sẽ được sử dụng đến hết ngày 30/6/2025. Từ 1/7/2025, số định danh cá nhân sẽ thay thế hoàn toàn MST. Nếu thông tin đăng ký thuế đã khớp đúng với dữ liệu quốc gia về dân cư, người nộp thuế chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân để thực hiện nghĩa vụ thuế. Ngược lại, nếu thông tin chưa khớp hoặc thiếu, MST sẽ chuyển sang trạng thái "chờ cập nhật". Khi đó, người nộp thuế phải làm thủ tục điều chỉnh thông tin với cơ quan thuế trước khi sử dụng số định danh cá nhân thay cho MST.
Như vậy, với trường hợp có hai MST, người dân cần nhanh chóng cập nhật số định danh cá nhân để đảm bảo thống nhất dữ liệu và tránh phát sinh vướng mắc khi quyết toán thuế.
>> Những khoản tiền lương, thu nhập nào được miễn thuế?