Đầu năm Ất Tỵ 2025, phóng viên Báo điện tử VTC News có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành (CEO) MoMo về những câu chuyện xoay quanh ví điện tử.
- Thưa ông, những năm gần đây giai đoạn cạnh tranh cũ của doanh nghiệp kinh doanh ví điện tử đã qua đi, bây giờ là giai đoạn cạnh tranh mới, vậy ông đánh giá thế nào về các yếu tố cạnh tranh mới trên thị trường ví điện tử của Việt Nam hiện nay?
Trước đây, ví điện tử thường mang tiếng oan là “cuộc chơi đốt tiền” nhưng tôi không nghĩ như vậy. Cách đây tầm 5-7 năm, mọi người thường chia sẻ với nhau ví điện tử là gì, vì khi đó nó là một khái niệm mới. Chi phí để chia sẻ khái niệm với khách hàng là một chi phí lớn. Tuy nhiên, bây giờ mọi người đều hiểu ví điện tử là tài chính online, tài chính số, đó là một khái niệm quen thuộc.
Trong giai đoạn mới, cuộc cạnh tranh sẽ tập trung vào “chất”. Chất ở đây là gì, đó là chất lượng sản phẩm, chất lượng về nhân sự và sự hợp tác sâu sắc của các đối tác. Tôi tin đó là những điểm quan trọng để tạo nên lợi thế cạnh tranh trong mỗi doanh nghiệp xuất phát từ ví điện tử và dần dần mở rộng sang các dịch vụ tài chính khác.
- Thách thức lớn nhất của cuộc cạnh tranh này là gì, thưa ông?
Tôi nghĩ thách thức lớn nhất của cuộc cạnh tranh này đó chính là mọi người phải biết được mình đang làm gì, phải hiểu được là mình đang phục vụ ai?
Thách thức thứ hai chính là cuộc cạnh tranh về tài năng, bởi khi mình biết mình làm gì thì cần phải có trí tuệ, tài năng để thực hiện tốt việc đó.
- Thưa ông, cuộc cạnh tranh về nguồn nhân lực trong ngành công nghệ nói chung và ví điện tử nói riêng đang diễn ra như thế nào?
Để làm được một sản phẩm AI (trí tuệ nhân tạo) thì không nhanh được, đôi khi phải mất 1-2 năm mới ra được một sản phẩm AI. Chính vì vậy, để giữ được những tài năng làm sản phẩm AI với tổ chức cũng là một thách thức rất lớn, trong khi nhân sự AI ở Việt Nam đang thiếu rất nhiều.
Với MoMo, ngoài việc tìm kiếm tài năng trong nước thì chúng tôi cũng tìm kiếm các du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đã và đang làm việc ở các tập đoàn lớn để mời mọi người về cộng tác. Tôi nghĩ để làm được một sản phẩm AI thì cần một công cuộc “trồng người”, phải kéo dài từ 3 - 5 năm, chứ không thể “đi tắt, đón đầu” trong việc tìm kiếm nhân sự.
- Việc phát triển ví điện tử trong thời gian qua nó có những khó khăn, vướng mắc như thế nào, thưa ông?
Khó khăn nhất trong việc phát triển ví điện tử đó chính là có được niềm tin của khách hàng, đặc biệt là những khách hàng có thu nhập trung bình hoặc thấp. Những khách hàng này, họ thường có cảm giác sợ rủi ro khi thực hiện các giao dịch online. Do đó, chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này ở nhiều cấp độ khác nhau và có sự đồng hành của nhiều người khác nhau.
Khó khăn thứ hai, theo tôi, ví điện tử hay Fintech (công nghệ tài chính) là những đơn vị làm ứng dụng mobile sớm so với các ngân hàng. Tuy nhiên, bây giờ các ngân hàng làm ứng dụng mobile cũng rất giỏi. Đây cũng là “vòng đời công nghệ” mà thôi, 10 năm trước ứng dụng mobile còn mới nhưng 10 năm sau ứng dụng mobile không có gì quá mới nữa. Do đó, việc phát triển các sản phẩm mới sẽ là vấn đề cốt lõi trong việc tồn tại và phát triển.
- Thuận lợi của việc phát triển ví điện tử trong giai đoạn hiện nay là gì?
Thuận lợi lớn nhất của ví điện tử trong giai đoạn này chính là thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân đang tốt hơn nhiều. Việc phát triển VietQR cũng là sự hỗ trợ rất lớn trong việc phát triển ví điện tử.
Tôi ví dụ, trước đây, người dân đi ăn uống chỉ thanh toán được ở những điểm mà MoMo phát triển. MoMo cũng không thể ngay lập tức phát triển được hàng triệu điểm thanh toán. Thế nhưng, từ khi có VietQR thì mỗi hộ kinh doanh đều có thể in QR Code của mình để dán lên cho khách thanh toán. Ngay lập tức, khách hàng MoMo có thể thanh toán được ở hàng triệu điểm như vậy. Chính vì thế mà lượng khách hàng của MoMo cũng gia tăng nhiều hơn.
- Thưa ông, mục tiêu lớn nhất của MoMo trong 5 năm tới là gì?
Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam. Tài chính toàn diện ở đây có 3 khía cạnh, khía cạnh thứ nhất là thông tin và kiến thức cho khách hàng. Thứ hai là nỗ lực thúc đẩy niềm tin. Thứ ba là tiếp tục đầu tư vào công nghệ và AI – trợ thủ đắc lực của MoMo.
- MoMo có mục tiêu về số lượng người dùng trong 3-5 năm tới không?
Chúng tôi không quá quan trọng về số lượng khách hàng nữa, bởi vì chúng tôi cũng đã có lượng khách hàng khá lớn. Chúng tôi muốn quan tâm đến chất lượng phục vụ khách hàng, làm sao để dùng AI để phục vụ khách hàng tốt hơn, đặt khách hàng ở trung tâm và giúp khách hàng tốt hơn với tiền.
Xin cảm ơn ông!
Ra mắt vào tháng 11/2010 với dịch vụ ví điện tử, đến tháng 5/2014, MoMo mở rộng thành ứng dụng trên điện thoại thông minh cung cấp các dịch vụ thiết yếu chuyển tiền, nạp tiền điện thoại, và thanh toán hóa đơn. MoMo phục vụ hơn 30 triệu người dùng với 50.000 đối tác, hơn 70 ngân hàng và tổ chức tài chính.
Tháng 11/2024, MoMo công bố sự chuyển mình từ ví điện tử trở thành “Trợ thủ tài chính với AI”.