'Bom hàng' tầm quốc tế: Trung Quốc trả lại 2 món hàng trị giá hơn 100 triệu USD về Mỹ do thuế 145%, nhiều hãng châu Á bất ngờ săn đón tìm mua lại

Nhiều hãng hàng không châu Á 'đánh tiếng' muốn tiếp nhận máy bay Boeing Trung Quốc trả lại Mỹ do ảnh hưởng từ thuế quan.

Theo Reuters, hai chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8, dự kiến bàn giao cho các hãng hàng không Trung Quốc, đã bất ngờ quay trở lại Mỹ chỉ sau chưa đầy 1 tháng rời khỏi cơ sở hoàn thiện tại Chu Sơn (Trung Quốc). Đây được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy tác động của cuộc chiến thuế quan đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đối với ngành hàng không.

Ngay sau đó, ông Izham Ismail, Giám đốc Tập đoàn Hàng không Malaysia (Malaysia Aviation Group, đánh tiếng rằng nếu các suất giao hàng của Boeing bị bỏ trống do tác động từ chiến tranh thuế quan Mỹ - Trung, đây sẽ là cơ hội để MAG đẩy nhanh tiến độ nhận máy bay sớm hơn dự kiến.

“MAG đang đàm phán với Boeing để xem liệu chúng tôi có thể tiếp nhận các suất giao hàng đó hay không”, ông Ismail nói với Bernama.

Cũng theo ông Ismail, công ty mẹ của hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines có thể sẽ huy động vốn từ thị trường tài chính để tài trợ cho bất kỳ thương vụ mua máy bay nào nếu đàm phán thành công. Ông nhấn mạnh rằng các máy bay được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu về khoang hành khách của hãng.

MAG bày tỏ sự quan tâm tới các suất giao hàng máy bay Boeing sau khi Bắc Kinh được cho là đã yêu cầu các hãng hàng không Trung Quốc ngừng tiếp nhận máy bay Boeing và đình chỉ việc mua thiết bị hàng không và phụ tùng từ các công ty Mỹ.

Hiện Boeing dường như đang đưa một số máy bay 737 MAX quay trở lại Mỹ từ Trung Quốc, nơi các máy bay này từng được lưu trữ để chuẩn bị giao cho khách hàng Trung Quốc.

Việc giao máy bay bị chậm hơn dự kiến cùng với tình trạng thiếu hụt bảo dưỡng khiến Malaysia Airlines phải cắt giảm hơn 6.000 chuyến bay trong quý IV/2024, dẫn đến lợi nhuận ròng cả năm sụt giảm hơn 90%.

Hiện nay, các hãng hàng không trên toàn cầu đều có nhu cầu cao với máy bay mới, nhưng đang phải đối mặt với tình trạng giao hàng bị trì hoãn do tắc nghẽn chuỗi cung ứng hậu đại dịch, cũng như việc Boeing bị siết chặt giám sát và một cuộc đình công của công nhân khiến tiến độ sản xuất chậm lại.

MAG – thuộc sở hữu của quỹ đầu tư quốc gia Khazanah Nasional – đang trong quá trình mở rộng và đổi mới đội bay, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ vận hành đội bay thân hẹp gồm 55 chiếc 737 MAX thế hệ mới.

Malaysia Airlines hồi đầu năm nay đã đặt mua tới 60 máy bay Boeing nhằm phục vụ chiến dịch thay mới đội bay thân hẹp đã cũ, bao gồm 18 máy bay 737 MAX 8 và 12 chiếc 737 MAX 10, cùng tùy chọn mua thêm 30 chiếc khác.

Ngoài ra, MAG cũng đã ký thỏa thuận thuê 25 máy bay 737 MAX từ Air Lease Corp, với thời gian giao máy từ năm 2023 - 2026.

Ông Ismail cho biết bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc tiếp nhận thêm máy bay từ các suất giao hàng bị bỏ trống sẽ không thuộc phạm vi hợp đồng với Air Lease Corp.

Ngoài Malaysia, Air India của Ấn Độ cũng bày tỏ mong muốn tiếp nhận các máy bay của Boeing mà các hãng hàng không Trung Quốc từ chối.

Theo những người biết về các cuộc thảo luận, hãng hàng không thuộc sở hữu của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) hiện đang rất cần máy bay để đẩy nhanh quá trình phục hồi. Hãng này đã lên kế hoạch tiếp cận Boeing để mua một số máy bay từ Trung Quốc quay đầu về Mỹ.

Air India cũng bày tỏ mong muốn nhận các suất giao hàng trong tương lai nếu chúng có sẵn, những người này cho biết.

Hãng hàng không này trước đó cũng đã được hưởng lợi từ việc Trung Quốc “quay lưng” với máy bay Boeing. Hãng đã chấp nhận 41 máy bay phản lực 737 Max ban đầu được chế tạo cho các hãng hàng không Trung Quốc nhưng bị hoãn lại do các vấn đề bao gồm lo ngại về an toàn với pin lithium trong máy ghi âm buồng lái của máy bay.

Air India dự kiến sẽ nhận thêm khoảng 9 máy bay 737 lưu kho nữa đến tháng 6, nâng tổng số lên 50 chiếc. Lượng máy bay này được cho là sẽ cạn kiệt trong vài tháng tới.