HP Inc. đã đồng ý chi trả khoản tiền 4 triệu USD để dàn xếp vụ kiện tập thể liên quan đến hành vi quảng cáo giá gây hiểu lầm trên website chính thức. Đây là kết quả từ đơn kiện được đệ trình hồi tháng 10/2021, cáo buộc hãng công nghệ này sử dụng chiến thuật giá “gạch ngang” – hiển thị mức giá cao bị gạch bỏ bên cạnh giá bán thấp hơn – nhằm tạo cảm giác người tiêu dùng đang được hưởng khuyến mãi đặc biệt, trong khi thực tế mức giá “gốc” này hiếm khi tồn tại.
Một ví dụ điển hình là chiếc máy tính HP All-in-One được quảng cáo là giảm từ 999,99 USD xuống còn 899,99 USD. Tuy nhiên, theo tài liệu tòa án, mức giá cao hơn gần như chưa từng được áp dụng trước đó. Hành vi này khiến người mua tin rằng họ đang nhận được ưu đãi lớn, dẫn đến chi tiêu vượt mức thực tế cần thiết.
Ngoài việc “phóng đại giảm giá”, HP còn bị tố cáo tạo ra sự cấp bách giả bằng cách hiển thị cảnh báo như “chỉ còn 1 sản phẩm” hoặc “ưu đãi sắp kết thúc” – trong khi nguồn hàng thực tế vẫn còn sau thời điểm quảng bá.
![]() |
HP sẽ lập một quỹ trị giá 4 triệu USD để chi trả các khoản bồi thường từ 10 USD đến 100 USD cho các sản phẩm đủ điều kiện. Ảnh minh họa |
>> Trung Quốc tìm ra bí quyết đẩy bật năng suất một loại quả, chiếm tới 60% sản lượng toàn cầu
Theo thỏa thuận, HP sẽ lập một quỹ trị giá 4 triệu USD để chi trả các khoản bồi thường từ 10 USD đến 100 USD cho mỗi sản phẩm đủ điều kiện, đồng thời trang trải chi phí pháp lý và bồi thường cho các nguyên đơn chính. Những khách hàng từng mua máy tính để bàn, máy tính xách tay, bàn phím hoặc chuột HP qua website của hãng từ ngày 5/6/2021 đến 28/10/2024 – với điều kiện sản phẩm được niêm yết giảm giá hơn 75% thời gian – sẽ có thể nhận khoản bồi thường tương ứng. Trong đó, người Việt Nam có thể được nhận tối đa khoảng 2,6 triệu đồng.
Dù HP không thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, sự đồng thuận với thỏa thuận bồi thường đã khép lại vụ kiện trong bối cảnh công ty này đạt doanh thu ròng 13,5 tỷ USD chỉ trong một quý gần nhất – cho thấy mức phạt 4 triệu USD là tương đối khiêm tốn.
Phiên điều trần cuối cùng về việc phê duyệt thỏa thuận dự kiến diễn ra vào ngày 21.8.2025, còn hạn cuối để người tiêu dùng nộp đơn yêu cầu bồi thường là 9/6/2025.
Vụ việc cho thấy làn sóng giám sát ngày càng mạnh mẽ từ tòa án và cơ quan chức năng đối với các hình thức quảng cáo không minh bạch trong thương mại điện tử – lĩnh vực vốn đang phát triển nhưng vẫn thiếu ràng buộc chặt chẽ về đạo đức kinh doanh.
>> Vietjet xin lỗi, đền bù từ 500.000 - 1.000.000 đồng cho hành khách bị delay