Thuốc giả chủ yếu tiêu thụ qua không gian mạng
Liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) mới đây đã có phản hồi chính thức về công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả – một vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực y tế.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Tạ Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ cơ quan điều tra, Bộ Y tế đã lập tức ban hành văn bản hỏa tốc gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu khẩn trương phối hợp với lực lượng công an để làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm, đồng thời thu hồi triệt để số thuốc giả đã bị phát tán ra thị trường.
Theo TS. Hùng, bước đầu xác định các loại thuốc giả trong vụ án chưa thâm nhập được vào hệ thống khám chữa bệnh công lập, do không có đủ hồ sơ pháp lý để tham gia đấu thầu thuốc. Thay vào đó, số sản phẩm này chủ yếu được tiêu thụ qua mạng và tại các kênh bán lẻ, gây khó khăn cho việc kiểm soát, truy vết.

TS. Tạ Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong tổng số 21 loại sản phẩm bị thu giữ, có 4 loại thuốc tân dược bị làm giả với số lượng cụ thể gồm: 44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter và 52 hộp Neo-Codion.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ 39.323 hộp của 17 loại sản phẩm khác – được gắn nhãn dưới dạng thuốc đông dược hoặc sản phẩm có công dụng tương tự thuốc chữa bệnh, song đều có dấu hiệu là hàng giả.
Để bảo đảm chất lượng và an toàn thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh, thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ, từ tiền kiểm đến hậu kiểm, trong toàn bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành nhằm xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về dược.
Đáng chú ý, ngày 18/11/2024, Bộ Y tế và Bộ Công an đã ký Quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-BYT, thể hiện quyết tâm cao trong việc đấu tranh với các hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Theo đó, hai bên sẽ chia sẻ thông tin, tài liệu và phối hợp chặt chẽ trong giám sát các hoạt động liên quan đến sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối và lưu thông thuốc trên thị trường. Phòng, chống thuốc giả không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành y tế, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ngành như Công Thương, Công an, Y tế cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) đã phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều chiến dịch kiểm tra, xử lý vi phạm, từng bước ngăn chặn tình trạng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Lực lượng công an kiểm tra thuốc tân dược giả.
Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố, các Sở Y tế và đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát chất lượng thuốc lưu hành, đồng thời đẩy mạnh phối hợp liên ngành với lực lượng công an, quản lý thị trường trong công tác phát hiện, xử lý thuốc giả. Nhờ các biện pháp đồng bộ, tỷ lệ thuốc giả trong những năm gần đây đã được kiểm soát ở mức rất thấp, dưới 0,1%.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược – TS. Tạ Mạnh Hùng cho biết, trong giai đoạn 2023–2024, một số địa phương như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội đã phát hiện các lô thuốc Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion giả.
Ngay khi nhận được báo cáo, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389, Công an và lực lượng Quản lý thị trường để điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tiếp tục siết chặt quản lý dược phẩm, ngày 9/1/2025, Cục Quản lý Dược và Thanh tra Bộ Y tế đã phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) – Bộ Công an tổ chức cuộc họp với Sở Y tế các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nam… nhằm tăng cường phối hợp phòng, chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.
Các đơn vị đã thống nhất tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo không để thuốc giả len lỏi vào hệ thống phân phối, đặc biệt là vào các cơ sở khám chữa bệnh, vì sự an toàn và sức khỏe của người dân.
Người dân có thể tra cứu thuốc thật – giả qua cổng dịch vụ công
Trước tình trạng buôn bán, sản xuất thuốc giả đang diễn biến phức tạp, đặc biệt sau vụ triệt phá đường dây thuốc tân dược giả quy mô lớn do Công an tỉnh Thanh Hóa thực hiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo quan trọng với người dân và doanh nghiệp.
Theo TS. Tạ Mạnh Hùng, để bảo vệ sức khỏe bản thân, người dân có thể chủ động xác minh nguồn gốc và tính pháp lý của thuốc thông qua Cổng dịch vụ công của Bộ Y tế tại địa chỉ: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc.
Đây là kênh thông tin chính thức, công khai toàn bộ danh mục các loại thuốc đã được cấp phép lưu hành, giúp người sử dụng phân biệt giữa thuốc thật và thuốc giả trước khi quyết định mua hoặc sử dụng.
TS. Hùng nhấn mạnh, theo quy định hiện hành, mọi loại thuốc muốn lưu hành hợp pháp trên thị trường đều bắt buộc phải có giấy đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp. Quy trình thẩm định được thực hiện nghiêm ngặt, đặt yếu tố an toàn và hiệu quả lên hàng đầu.
Riêng với vắc-xin và sinh phẩm – nhóm thuốc có yêu cầu cao về chất lượng, 100% lô hàng đều được kiểm định kỹ lưỡng trước khi đưa ra thị trường. Đối với các loại thuốc hóa dược, dược liệu, thuốc cổ truyền… đều được lấy mẫu kiểm tra định kỳ và đột xuất, đặc biệt với những nhóm có nguy cơ cao bị làm giả hoặc nghi ngờ không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Liên quan đến công tác hậu kiểm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết Bộ Y tế thường xuyên chỉ đạo thực hiện các đợt thanh tra, kiểm tra trên diện rộng, từ Trung ương đến các địa phương.
Các hoạt động này không chỉ theo kế hoạch thường kỳ mà còn được triển khai đột xuất khi có phản ánh từ người dân, doanh nghiệp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng xâm nhập vào hệ thống phân phối và điều trị.
"Công tác thanh kiểm tra được triển khai đồng bộ là một trong những biện pháp trọng tâm để bảo đảm chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường. Người dân cần nâng cao cảnh giác và chủ động tra cứu thông tin thuốc trước khi sử dụng, tránh những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe", ông Hùng nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 16/4, công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc.
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã bắt giữ 14 đối tượng liên quan đến hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”. Đối tượng cầm đầu đường dây được xác định là Nguyễn Tiến Đạt (sinh năm 1991, trú tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội).
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận từ năm 2021 đến khi bị bắt đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng.