6 thao tác quan trọng khi dùng thẻ tín dụng để tránh mất sạch tiền trong tài khoản

Một số thao tác đơn giản như tắt tính năng thanh toán trực tuyến khi không cần thiết, điều chỉnh hạn mức giao dịch theo nhu cầu… có thể giúp giảm thiệt hại đáng kể nếu chẳng may trở thành mục tiêu của kẻ gian.

1. Tắt tính năng thanh toán trực tuyến khi không sử dụng

Tính năng thanh toán online mang lại sự tiện lợi trong mua sắm, đặt vé máy bay, khách sạn... nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ nếu thông tin thẻ bị rò rỉ. Thực tế cho thấy, nhiều vụ gian lận xảy ra khi khách hàng không kiểm soát giao dịch trực tuyến, dẫn đến việc bị trừ tiền mà không cần OTP – đặc biệt với thẻ quốc tế hoặc bị đánh cắp thông qua các website giả mạo.

Người dùng nên chủ động tắt tính năng này trên ứng dụng ngân hàng khi không có nhu cầu. Thao tác chỉ mất vài giây nhưng có thể giúp bảo vệ tài khoản trước các giao dịch trái phép.

2. Giới hạn hạn mức giao dịch theo nhu cầu thực tế

Giữ nguyên hạn mức giao dịch cao trong khi thói quen chi tiêu hằng ngày không sử dụng đến lại là một sai lầm phổ biến. Việc này vô tình tạo “khoảng hở” cho các giao dịch gian lận, đặc biệt nếu mất thẻ, mất điện thoại hoặc bị tấn công bởi mã độc.

Chủ thẻ nên thường xuyên rà soát và cài đặt lại hạn mức chi tiêu/ngày phù hợp. Ví dụ, nếu chỉ dùng thẻ để chi khoảng 3–5 triệu đồng/ngày thì không cần giữ mức mặc định 20–50 triệu đồng.

3. Kiểm tra kỹ trước khi xác nhận thanh toán

Trước khi hoàn tất bất kỳ giao dịch nào, khách hàng cần đối chiếu kỹ thông tin trên hóa đơn, đồng thời giữ lại hóa đơn để đối chiếu khi cần. Khi quẹt thẻ tại nhà hàng, siêu thị…, người dùng nên giám sát toàn bộ quy trình để tránh rò rỉ hoặc bị đánh cắp dữ liệu.

6 thao tác quan trọng khi dùng thẻ tín dụng để tránh mất sạch tiền trong tài khoản
Người dùng cần lưu ý 6 thao tác này để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo qua thẻ tín dụng. Ảnh minh họa

4. Bảo mật tuyệt đối thông tin thẻ và mã PIN

Người dùng cần tuyệt đối không ghi nhớ mã PIN cùng thẻ hoặc chọn các mật khẩu dễ đoán như ngày sinh. Khi nhập mã PIN tại cây ATM hay máy POS, người dùng nên che bàn phím để tránh bị quay lén. Thông tin thẻ như số thẻ, CVV/CVC, ngày hết hạn… cần được giữ kín mọi lúc.

Ngoài ra, khách hàng được khuyến nghị nên tắt tính năng thanh toán trực tuyến (online) khi không sử dụng và áp dụng phương thức xác thực giao dịch nâng cao như Out of Band (OOB) thay vì mã OTP truyền thống nhằm nâng cao tính bảo mật,

5. Không chia sẻ thông tin thẻ dưới mọi hình thức

Tuyệt đối không cho người khác mượn thẻ, chụp ảnh hoặc lưu hình ảnh mặt trước/mặt sau thẻ trên điện thoại. Mọi giao dịch nên được thực hiện trước mặt chủ thẻ, không đưa thẻ ra khỏi tầm mắt tại quầy thanh toán.

Đặc biệt, khách hàng không cung cấp OTP, mã PIN, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai – kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Người dùng không chia sẻ thông tin thẻ qua mạng xã hội hay các ứng dụng nhắn tin như Facebook Messenger, Zalo…

6. Khóa thẻ ngay khi có dấu hiệu rủi ro

Ngay khi phát hiện mất thẻ, nghi ngờ bị rò rỉ thông tin hoặc xuất hiện giao dịch lạ, khách hàng cần lập tức khóa thẻ qua ứng dụng ngân hàng hoặc liên hệ tổng đài để ngăn chặn kịp thời tổn thất.

>> Trả chậm thẻ tín dụng: Sau mấy ngày thì bị ngân hàng ‘gắn mác’ nợ xấu?