300.000 tỷ đồng dư nợ cho vay của một ngân hàng VN30 chịu áp lực thuế quan Mỹ

300.000 tỷ đồng dư nợ của một ngân hàng VN30 chịu áp lực thuế quan Mỹ
Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV

Tại ĐHCĐ ngày 26/4/2025, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã BID) cho biết đã thành lập ban chỉ đạo riêng để đánh giá tác động từ quyết định áp thuế đối ứng của Mỹ.

Theo Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú, tổng dư nợ liên quan đến các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp (chủ yếu trong lĩnh vực thép, nhựa, cơ khí, thủy sản, giày da, may mặc, logistics và bất động sản khu công nghiệp) của BIDV vào khoảng 300.000 tỷ đồng, tương đương 15% tổng dư nợ.

Theo ông Tú, việc áp thuế sẽ ảnh hưởng đến tín dụng, huy động vốn và lợi nhuận ngân hàng do chi phí trích lập dự phòng tăng lên khi chất lượng tài sản suy giảm. BIDV đã yêu cầu các chi nhánh làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp để cá thể hóa phương án hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Dù vậy, ban lãnh đạo BIDV đánh giá ảnh hưởng chung đến ngân hàng là "không quá lớn" và đã có sự chuẩn bị chủ động.

Về kết quả kinh doanh, tính đến cuối tháng 3/2025, dư nợ tín dụng BIDV đạt 2,07 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm; huy động vốn đạt 2,17 triệu tỷ đồng, tăng 1,7%; tổng tài sản đạt 2,8 triệu tỷ đồng. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm nay và duy trì nợ xấu dưới 1,4%, dự kiến lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 32.400–33.700 tỷ đồng, tăng 6–10% so với 2024.

Cùng vấn đề liên quan, tại ĐHCĐ ngày 27/4, LPBank cũng nhận định thuế đối ứng Mỹ sẽ tác động đáng kể tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Để chủ động ứng phó, LPBank đã thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản (LPBank AMC) với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng, nhằm chuyên nghiệp hóa xử lý nợ xấu và tập trung nguồn lực cho kinh doanh cốt lõi. Ngân hàng cho biết tỷ lệ dư nợ cấp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chỉ ở mức 0,3%.

Dự kiến, LPBank AMC sẽ ghi nhận doanh thu lần lượt 177 tỷ đồng (2025), 426 tỷ đồng (2026) và 511 tỷ đồng (2027), với lợi nhuận trước thuế tương ứng 97 tỷ, 257 tỷ và 511 tỷ đồng.

Theo báo cáo cập nhật của SSI Research, tác động của thuế đối ứng đến ngành ngân hàng khá phức tạp do mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp với các ngành xuất khẩu như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, FDI, tiêu dùng và bất động sản. Tăng trưởng tín dụng nhóm SME xuất khẩu có thể chậm lại, nhưng bù đắp bởi nhu cầu vay vốn hạ tầng, xây dựng, bất động sản và tiêu dùng.

Ngành ngân hàng cũng sẽ đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng, chi phí tín dụng cao hơn, trong khi thu nhập từ tài trợ thương mại và giao dịch ngoại hối suy giảm. Dù vậy, SSI Research kỳ vọng các biện pháp hỗ trợ kinh tế từ Chính phủ, như đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ lãi suất và nới điều kiện cơ cấu nợ, sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực. Việc đồng USD yếu hơn cũng góp phần giảm áp lực chi phí vốn, hỗ trợ thanh khoản hệ thống.

Các ngân hàng có mức độ liên quan cao đến nhóm xuất khẩu, doanh nghiệp FDI hoặc công ty tài chính tiêu dùng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực rõ nét hơn trong giai đoạn tới.

>> Lo phá sản nếu Mỹ áp thuế 46%, lãnh đạo doanh nghiệp dệt may 12.000 nhân sự nói: Còn công nhân là còn nhà máy