Trong bản đồ thương mại toàn cầu, dệt may Việt Nam không còn là một mắt xích phụ. Với hơn 1.500 doanh nghiệp và 1,4 triệu lao động, ngành này đã trở thành xương sống trong kim ngạch xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp thuần Việt. Tuy nhiên, giữa bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ trở nên khó lường, bài toán đặt ra không chỉ là giữ đơn hàng, mà là giữ sinh kế, giữ ổn định vĩ mô và giữ lòng tin vào nội lực nền kinh tế.
Báo cáo “Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ – Ứng phó thuế quan và Tầm nhìn dài hạn” do Công ty Cổ phần FiinGroup vừa mới công bố đã chỉ ra những cảnh báo rõ ràng về rủi ro tài chính và sức ép cạnh tranh mà ngành dệt may đang gánh chịu.
Vai trò lớn nhưng dễ tổn thương
Theo FiinGroup, các doanh nghiệp dệt may nội địa chiếm tới 27% giá trị xuất khẩu sang Mỹ của toàn bộ khối doanh nghiệp trong nước, đứng đầu trong tất cả các ngành hàng. Đây là lĩnh vực hiếm hoi mà khối nội địa còn giữ được vai trò chủ lực, khi các ngành còn lại như điện tử, máy móc hay thiết bị gần như bị chi phối tuyệt đối bởi doanh nghiệp FDI – chiếm từ 90% đến 94% giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, phía sau con số đóng góp ấn tượng ấy là một hệ thống tài chính đầy bất ổn.
![]() |
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của doanh nghiệp nội địa Việt Nam năm 2024. Nguồn: FiinGroup tổng hợp. |
Cũng theo FiinGroup, biên lợi nhuận gộp trung bình của doanh nghiệp dệt may nội địa đạt 13,17%, nhưng biên lợi nhuận ròng lại âm –3,06%, thậm chí có doanh nghiệp lỗ đến –30,96%. Điều này cho thấy phần lớn lợi nhuận đã bị bào mòn bởi chi phí tài chính, bán hàng và chi phí quản lý. Chỉ rất ít doanh nghiệp đạt mức lãi ròng trên 4%, và đây là rào cản lớn nếu họ muốn tích lũy vốn để tái đầu tư.
![]() |
Toàn cảnh năng lực tài chính doanh nghiệp dệt may nội địa xuất khẩu sang Mỹ (2024). Nguồn: FiinGroup tổng hợp. |
Về rủi ro tín dụng, FiinGroup xếp nhóm doanh nghiệp dệt may ở mức FG-7 trên thang 18 bậc, với xác suất vỡ nợ lên tới 2,64%. Đây là mức rủi ro đủ để các ngân hàng thương mại phải cân nhắc lại hạn mức, tăng lãi suất hoặc yêu cầu tài sản bảo đảm cao hơn. Khi các doanh nghiệp này đã gánh tới 60.000 tỷ đồng dư nợ, bất kỳ sự gián đoạn nào về tín dụng cũng sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền trong toàn chuỗi cung ứng.
Hơn cả xuất khẩu: Đó là 1,4 triệu con người
Không chỉ là câu chuyện của đơn hàng và tỷ trọng kim ngạch, dệt may còn là ngành giữ vai trò an sinh xã hội sâu rộng. Với lực lượng lao động 1,4 triệu người – chủ yếu là lao động nữ, phổ thông – ngành này tạo thu nhập bền vững cho hàng triệu gia đình, đặc biệt tại các địa phương công nghiệp như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh miền Trung.
FiinGroup cảnh báo rằng nếu
Chờ vốn, chờ đơn hàng – hay chờ một chiến lược dài hạn?
FiinGroup nhận định: “Doanh nghiệp nội địa, đặc biệt trong các ngành như dệt may, thủy sản và gỗ sẽ chịu tác động đáng kể; đây cũng là nhóm sử dụng nhiều lao động nên cần được chính phủ hỗ trợ kịp thời thông qua các gói tín dụng ưu đãi, chương trình thương mại quốc tế và chính sách an sinh cho người lao động.” Tuy nhiên, hỗ trợ tín dụng chỉ là phần nổi của tảng băng. Thách thức lớn hơn là làm sao tăng được năng lực cạnh tranh thực chất và giảm sự phụ thuộc vào đầu vào nhập khẩu.
Theo báo cáo, trong năm 2024, nhóm doanh nghiệp FDI Trung Quốc tại Việt Nam đã nhập khẩu tới 2,7 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc để sản xuất, trong đó có 15% là xơ, sợi dệt. Điều này cho thấy phần lớn nguyên liệu vẫn đến từ bên ngoài, khiến doanh nghiệp trong nước dễ bị động và thiếu khả năng kiểm soát giá vốn khi chuỗi cung ứng toàn cầu biến động.
![]() |
Cấu trúc xuất – nhập khẩu của doanh nghiệp FDI Trung Quốc tại Việt Nam năm 2024. Nguồn: FiinGroup tổng hợp. |
FiinGroup đề xuất: “Việt Nam cần tập trung phát triển năng lực sản xuất nội địa, hướng tới mục tiêu đưa doanh nghiệp trong nước trở thành chủ lực trong hoạt động xuất khẩu đa ngành.” Theo đó, cần một chiến lược đầu tư đồng bộ từ cải tiến công nghệ, phát triển vùng nguyên liệu, nâng cấp logistics đến mở rộng thị trường. Việc tận dụng các hiệp định FTA như EVFTA, CPTPP hay UKVFTA sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới, giảm dần sự phụ thuộc vào Mỹ – nơi đang chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may nội địa.
Ngành dệt may đang đứng giữa hai lựa chọn: hoặc tiếp tục tồn tại theo mô hình giá rẻ – nhân công rẻ – lãi mỏng, hoặc chuyển mình thành chuỗi giá trị xuất khẩu có chất lượng, có thương hiệu và có khả năng chống chịu cao hơn. Và để làm được điều đó, cần nhiều hơn những chính sách ngắn hạn. Cần một tầm nhìn dài hạn, một niềm tin chiến lược – để không chỉ giữ nhịp tim xuất khẩu hôm nay, mà còn mở đường sống bền vững cho một ngành gắn bó mật thiết với đời sống người dân Việt Nam.
>> Giải ngân 14,3% sau 4 tháng: Đầu tư công 2025 đang ‘nén lực’ để bứt phá?