Xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, vì sao Việt Nam 'yếu' khâu chế biến?

Sản xuất nhỏ lẻ, tự phát

Chiều 17/5, tại Hội thảo “Cà phê Việt Nam: Tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu” do báo Người Lao Động tổ chức, chuyên gia thị trường Nguyễn Quang Bình nói rằng, mặc dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, nhưng chưa thể đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị. Cụ thể, Việt Nam có khoảng 1,6-1,8 triệu tấn cà phê/năm nhưng đến 90% sản lượng đến từ các hộ nhỏ lẻ, mỗi vườn chỉ sản xuất vài tấn. Rất hiếm trang trại đạt sản lượng 100 tấn trở lên. Điều này gây nhiều hạn chế trong việc đầu tư chế biến.

Xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, vì sao Việt Nam 'yếu' khâu chế biến? ảnh 1
Toàn cảnh hội thảo.

Ngoài ra, tiêu thụ nội địa của Việt Nam còn khá yếu. Hiện nay, chỉ khoảng 5-10% tổng sản lượng cà phê được tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, nông dân Việt Nam, với sản lượng chỉ 3-5 tấn/hộ, không đủ điều kiện và khả năng để đầu tư vào chế biến sâu hay chờ đợi mức giá cao. Họ thường phải tự trữ hàng, dẫn đến nhiều bất lợi trong cạnh tranh.

“Nếu muốn tạo ra giá trị gia tăng, cần có sự tham mưu từ hiệp hội và chính quyền địa phương nhằm tập hợp các đầu mối sản xuất, xây dựng hợp tác xã có quy mô tối thiểu 1.000 ha. Khi đó, mới có thể nghĩ đến việc đầu tư hạ tầng, chế biến và nâng tầm thương hiệu” - ông Bình nói.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, phần lớn nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, tự phát. Với giá cà phê ở mức khoảng 150.000 đồng/kg xô và 170.000 đồng/kg thành phẩm, nếu người trồng thiếu vốn, không có kỹ năng dự đoán thị trường và kiểm soát chi phí thì rất khó đảm bảo hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Để bảo đảm lợi ích bền vững cho người trồng cà phê, cần nâng tỷ lệ chế biến sâu lên 40-45%. Thực tế, dư địa để phát triển cà phê chế biến sâu, cà phê đặc sản và thị trường nội địa vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, những rào cản cố hữu như thiếu vốn, thiếu hỗ trợ từ ngân hàng và chính sách vẫn chưa được tháo gỡ.

Hướng tới phát triển bền vững

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm nay đạt 662.900 tấn với 3,78 tỷ USD, giảm 9,8% về khối lượng nhưng tăng 51,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, vì sao Việt Nam 'yếu' khâu chế biến? ảnh 2
Người dân thưởng thức cà phê miễn phí.

Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột - cho biết, mục tiêu xuất khẩu cà phê trong năm nay có thể vượt mốc 6 tỷ USD. Hiện, khoảng 10% sản lượng cà phê được đưa vào chế biến sâu, với giá trị trung bình khoảng 6.000 USD/tấn, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất cà phê đặc sản với giá bán cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với mặt bằng thế giới.

Bà Bùi Hoàng Yến - phụ trách Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tại TPHCM - cho biết, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu cà phê ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt với những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt như chứng chỉ bền vững, không phá rừng... Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương và hiệp hội ngành hàng triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, vì sao Việt Nam 'yếu' khâu chế biến? ảnh 3
Bà con Đắk Lắk sản xuất cà phê. Ảnh: VOV.

Một trong những điểm nhấn là việc xây dựng chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao giá trị và bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm cà phê Việt trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Bộ cũng tích cực hỗ trợ quảng bá cà phê ra nước ngoài thông qua nhiều kênh xúc tiến thương mại.

“Để tiếp cận được các thị trường cao cấp, sản phẩm xuất khẩu bắt buộc phải có tín chỉ carbon. Do đó, Bộ đang phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn về chuyển đổi số, xuất khẩu bền vững và nâng cao kỹ năng cho doanh nghiệp. Thậm chí, nông dân cũng được hướng dẫn cách livestream để bán hàng hiệu quả hơn” - bà Yến chia sẻ.

>>Bất ngờ với quốc gia mua cà phê Việt nhiều gấp 54 lần, vượt cả Trung Quốc