Xe xăng hay xe điện bền hơn?

Trong năm 2024, ADAC đã ghi nhận và phân tích hơn 3,6 triệu trường hợp xe gặp sự cố trên đường tại Đức. Trong số đó, chỉ có 43.678 xe điện cần hỗ trợ – chiếm vỏn vẹn 1,2% tổng số, một con số khá thấp nếu xét đến tốc độ gia tăng của xe điện trong thị trường châu Âu.

Khi thu hẹp phạm vi phân tích với các xe từ 2 đến 4 năm tuổi (đăng ký từ 2020 đến 2022), kết quả càng rõ ràng: xe điện có tỷ lệ hỏng hóc chỉ 4,2 trên 1.000 xe, trong khi xe chạy xăng hoặc diesel có tỷ lệ cao hơn gấp đôi, lên đến 10,4 trên 1.000 xe. Đây là lần đầu tiên ADAC công bố báo cáo đầy đủ về độ tin cậy của xe điện nhờ có đủ dữ liệu thực tiễn từ nhiều năm vận hành.

Một điểm chung mà ADAC ghi nhận ở cả xe điện lẫn xe xăng là sự cố liên quan đến ắc quy 12V – một bộ phận nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trong khởi động và vận hành các hệ thống điện phụ trợ. Ắc quy là nguyên nhân của 50% sự cố với xe điện và 45% với xe xăng.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề trên, xe điện tỏ ra ưu thế rõ rệt. Chúng không có hệ thống động cơ đốt trong phức tạp, không cần thay dầu định kỳ, cũng không sử dụng hệ thống ly hợp hoặc ống xả – những thành phần thường xuyên phát sinh trục trặc ở xe xăng. Chính nhờ cấu trúc đơn giản hơn, xe điện có ít bộ phận hỏng hóc hơn theo thời gian.

Xe xăng hay xe điện bền hơn?
Nghiên cứu của ADAC chỉ ra xe điện bền hơn xe xăng. Ảnh minh họa

>> Sở hữu VinFast VF 3 chỉ với 45 triệu đồng, giờ nuôi ô tô ‘nhàn tênh’ với ưu đãi cực hời

Ngược lại, một nhược điểm nhỏ được ghi nhận là xe điện có tỷ lệ gặp sự cố lốp cao hơn – 1,3 trường hợp trên 1.000 xe so với 0,9 ở xe xăng. Tuy nhiên, ADAC cho rằng vấn đề này đang được cải thiện trên các mẫu xe điện đời mới, cho thấy tiến bộ trong thiết kế và vật liệu sử dụng.

Trong số 159 mẫu xe được ADAC khảo sát, Tesla Model 3 nổi bật với tỷ lệ hỏng hóc chỉ 0,5 lần trên 1.000 xe – trở thành mẫu xe điện đáng tin cậy nhất ở phân khúc 2 năm tuổi. Đây là minh chứng rõ ràng cho năng lực thiết kế và kiểm soát chất lượng của hãng xe Mỹ, vốn là một trong những lá cờ đầu của cuộc cách mạng ô tô điện.

Trái lại, Hyundai Ioniq 5 lại đứng đầu danh sách về sự cố với 22,4 lần hỏng trên 1.000 xe, chủ yếu do lỗi ở bộ điều khiển sạc tích hợp (ICCU) – được ví như “bộ não” quản lý nguồn điện và pin. Vấn đề này cho thấy không phải xe điện nào cũng hoàn hảo, và việc đầu tư vào phần mềm, hệ thống điện tử vẫn là thách thức lớn cho các nhà sản xuất.

Dù ADAC thừa nhận rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận về độ bền lâu dài của xe điện sau 10 năm sử dụng, nhưng các dữ liệu hiện tại đã phản ánh một xu hướng tích cực. Xe điện không chỉ đang thu hút nhờ ưu thế về môi trường và chi phí vận hành, mà còn bắt đầu giành được điểm số trong mắt người tiêu dùng về khía cạnh tin cậy.

>> VinFast giảm giá loạt xe máy điện, mẫu rẻ nhất chỉ còn 14,9 triệu đồng