Mùa của lộc
Xuân đến, khi đất trời chuyển giao, hoa lá nảy nở cũng là lúc loài hươu sao ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bước vào mùa nhung mới. Lộc nhung là những chiếc sừng non mềm mại và mịn màng với lớp lông tơ trắng phủ bên ngoài, năm chỉ cho lộc 1-2 lần. Từ lâu, sản vật này trở thành đặc sản đặc trưng của huyện miền núi Hương Sơn.
Mùa nhung năm nay, gia đình ông Phan Văn Thắng (SN 1973, trú xã Sơn Giang) có 6 con hươu đực cho lộc. Ước tính gia đình thu về khoảng trên 70 triệu đồng. Với gia đình ông Thắng, đây là thời điểm cảm nhận được giá trị của công sức lao động cả một năm chăm sóc.
Ông Thắng chia sẻ, nghề nuôi hươu sao lấy nhung có từ lâu đời, song cũng trải qua nhiều thăng trầm. Đặc biệt vào thời điểm những năm 1980, hươu sao được ví "đắt hơn vàng", là gia tài của người dân nếu sở hữu được một con. Vì giá trị, thời điểm có nhiều gia đình cùng chung tiền góp mua hươu về nuôi làm giống, song kỹ thuật chưa có, không ít người mất tài sản lớn.
![]() |
Người dân Hương Sơn xây dựng chuồng thoáng mát để nuôi hươu. |
“Ngày xưa hươu giống giá cao đỉnh điểm, một con hươu giá cả chục triệu thời điểm đó. Cũng có những năm giá xuống thấp, song khoảng 5 năm lại nay, nhung hươu trở về vị thế cũ, cứ đến mùa lộc nhung, cả xóm rộn ràng. Xe cộ, người tứ xứ cũng đổ về mua, người dân phấn khởi”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cho hay, để con hươu cho lộc nhung phải được nuôi từ 3 năm trở lên. Hươu sao thường cho nhung từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, những năm gần đây người chăn nuôi hươu đã chú trọng trong việc lựa chọn con giống nên sản lượng nhung ngày càng cao, một số con có thể cho 2 lứa nhung mỗi năm.
![]() |
Người dân huyện Hương Sơn phấn khởi thu hoạch lộc nhung hươu. |
"Thời điểm cắt lộc nhung phải căn ngày. Không được để quá già hoặc cắt quá non đều làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nhung hươu cắt đủ ngày sẽ có nhiều dưỡng chất. Ngược lại, nhung hươu già sẽ hóa sừng, làm giảm đi các thành phần vitamin, khoáng chất bên trong. Hơn nữa, việc khai thác đúng thời điểm còn đảm bảo cho hươu lấy lại sức và tiếp tục cho lộc nhung đúng vào mùa vụ năm sau”, ông Thắng chia sẻ.
Nhung hươu cũng được mệnh danh là biểu tượng của sự phát triển, một khởi đầu đầy hy vọng và sự sống mới, mang đến niềm vui cho người dân vùng đất này.
Huyện miền núi dự kiến thu 200 tỷ đồng
Nổi tiếng cả nước về nghề nuôi hươu sao, người dân địa phương áp dụng kỹ thuật khắt khe từ việc lựa chọn con giống, sử dụng nguồn thức ăn dinh dưỡng góp phần tạo những cặp lộc nhung có chất lượng tốt nhất. Nhờ đó, nhiều năm qua, một số con hươu cho lộc nhung “khủng”, nặng trên 4kg.
Là hộ nuôi hươu lâu năm, ông Nguyễn Văn Huy (SN 1967, trú xã Sơn Lâm) cho biết, để có được cặp nhung đạt cả trọng lượng và chất lượng tốt thì cần phải đầu tư bài bản và chăm sóc cẩn thận nhất là chế độ ăn. Giai đoạn khi hươu bắt đầu cho lộc nhung, ông thường bổ sung thêm những thức ăn giàu tinh bột như bột ngô, gạo, sắn… để hươu khỏe mạnh, nhung phát triển. Ngoài ra, dịp này các khu rừng có nhiều lá cây, loài dược liệu bổ dưỡng nên người dân cũng di chuyển vào các đồi núi sâu để thu hái mang về làm thức ăn cho hươu.
![]() |
Nhờ nuôi loài hươu sao, năm nay toàn huyện Hương Sơn ước tính thu trên 200 tỷ. |
![]() |
Những cặp nhung hươu sau khi vừa cắt xong. |
“Năm nào cũng vậy, nhờ những nỗ lực chăm sóc nên vào mỗi dịp Tết đến, hoặc đầu năm mới gia đình tôi đều có khoản thu nhập khá. Như năm nay dự tính thu khoảng trên 80 triệu đồng từ bán nhung hươu. Số tiền này không chỉ giúp gia đình có thêm nguồn kinh phí nuôi con cái học hành mà còn là động lực để tiếp tục đầu tư, chăm sóc đàn hươu đón những mùa lộc mới”, ông Huy nói.
Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNN) huyện Hương Sơn, hiện nay, tổng số đàn hươu trên địa bàn Hương Sơn có 47.310 con, trong đó khoảng 22.350 con cho nhung với sản lượng ước tính hơn 19,9 tấn. Dự kiến trong năm 2025, huyện sẽ thu trên 218 tỷ đồng từ việc bán lộc nhung.
"Nhung hươu không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn là sản phẩm quý trong y học cổ truyền được ưa chuộng trong việc bồi bổ sức khoẻ. Nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành chăn nuôi hươu, nền kinh tế địa phương nơi đây đang có những bước tiến vượt bậc, mang lại cuộc sống sung túc cho người dân", đại diện Phòng NN&PTNN huyện Hương Sơn chia sẻ.
>> Bỏ việc lương cao, chàng trai về quê nuôi hươu thu 600 triệu đồng mỗi năm