Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 14/2025/TT-NHNN, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9/2025 và thay thế toàn bộ các văn bản trước đó gồm Thông tư 41/2016/TT-NHNN, Thông tư 16/2022/TT-NHNN và Thông tư 22/2023/TT-NHNN kể từ ngày 1/1/2030.
Theo CTCP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (GTJASVN), đây là văn bản pháp lý mang tính bước ngoặt, thể hiện định hướng rõ ràng trong chính sách tiền tệ thận trọng và ổn định, với mục tiêu nâng cao chuẩn mực an toàn vốn, tiệm cận thông lệ quốc tế, và tăng cường khả năng chống chịu rủi ro cho hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Chuẩn vốn nâng cao và quy định chặt chẽ về cổ tức tiền mặt
Thông tư 14/2025 quy định rõ ràng rằng các ngân hàng thương mại không có công ty con hoặc chi nhánh ở nước ngoài sẽ phải tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ, trong khi các ngân hàng có công ty con hoặc chi nhánh phải đồng thời đáp ứng cả tỷ lệ riêng lẻ và tỷ lệ hợp nhất. Ba mức vốn tối thiểu bắt buộc bao gồm vốn lõi cấp 1 đạt 4,5%, vốn cấp 1 đạt 6% và tổng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 8%.
Ngoài ra, thông tư mới đưa vào hai cấu phần bổ sung là bộ đệm bảo toàn vốn (Capital Conservation Buffer – CCB) và bộ đệm vốn phản chu kỳ (Countercyclical Capital Buffer – CCyB), không nằm trong các mức tối thiểu nêu trên, nhưng bắt buộc nếu ngân hàng muốn thực hiện phân phối lợi nhuận.
GTJASVN nhấn mạnh, một trong những điểm mới quan trọng nhất là quy định về điều kiện chia cổ tức bằng tiền mặt, được ràng buộc trực tiếp với yêu cầu đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ an toàn vốn. Cụ thể, Khoản 5.b Điều 5 của Thông tư quy định: “Ngân hàng chỉ được phân chia phần lợi nhuận còn lại do ngân hàng tự quyết định theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính bằng tiền mặt khi duy trì việc đáp ứng toàn bộ các tỷ lệ theo các năm".
Điều này có nghĩa, các ngân hàng sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt nếu không đảm bảo đầy đủ toàn bộ các yêu cầu vốn trong từng năm cụ thể theo lộ trình.
Theo lộ trình áp dụng CCB, năm đầu tiên áp dụng yêu cầu tối thiểu 0,625%, năm thứ hai là 1,25%, năm thứ ba tăng lên 1,875%, và từ năm thứ tư trở đi là 2,5%. Tương ứng, tổng tỷ lệ vốn lõi cấp 1 bao gồm CCB cần đạt 5,125% trong năm đầu, sau đó lần lượt là 5,75%, 6,375% và đạt 7% từ năm thứ tư.
Tỷ lệ vốn cấp 1 (gồm CCB) cũng tăng từ 6,625% lên 8,5%, trong khi tổng CAR (gồm CCB) tăng từ 8,625% lên 10,5%. Thời điểm bắt đầu áp dụng được xác định là năm ngân hàng được chấp thuận sử dụng phương pháp tiêu chuẩn hoặc phương pháp xếp hạng nội bộ, nếu chưa được chấp thuận thì mặc định là năm 2030.
![]() Lộ trình nâng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 14/2025. Nguồn: Thông tư 14/2025/TT-NHNN, GTJAVN Research. |
GTJASVN nhận định, yêu cầu này có thể tạo ra áp lực lớn cho các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như BIDV và VietinBank. Lý do là tỷ lệ CAR của nhóm này thường không cao, trong khi cổ đông nhà nước vẫn kỳ vọng vào tỷ suất cổ tức bằng tiền mặt lớn. Do đó, chiến lược phân phối lợi nhuận của các ngân hàng này buộc phải được tính toán kỹ lưỡng, tránh tình huống có lãi nhưng không đủ điều kiện chia cổ tức bằng tiền mặt.
Hệ số rủi ro được điều chỉnh để định hướng dòng vốn
Ngoài các quy định về vốn, Thông tư 14/2025 còn đưa ra các điều chỉnh đáng kể về hệ số rủi ro (Risk Weight – RW), vốn là yếu tố quyết định lượng vốn tối thiểu mà ngân hàng cần giữ đối với từng loại tài sản có rủi ro.
Theo đánh giá của GTJASVN, hệ số rủi ro đối với cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) được giảm từ 90% xuống 85%. Với cho vay mua nhà đủ điều kiện, hệ số rủi ro dao động từ 25% đến 100% tùy theo tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản bảo đảm (LTV).
Đặc biệt, lần đầu tiên, cho vay mua nhà ở xã hội (NOXH) được hưởng mức RW ưu đãi từ 20% đến 50%, tùy vào mức LTV. Các khoản cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng được giảm mạnh hệ số rủi ro từ 100% xuống chỉ còn 50%.
![]() |
So sánh hệ số rủi ro theo Thông tư 41/2016 và Thông tư 14/2025 đối với các lĩnh vực tín dụng. Nguồn: Thông tư 41/2016, Thông tư 14/2025/TT-NHNN, GTJAVN Research. |
Tuy nhiên, đối với các khoản cho vay bất động sản thương mại, hệ số rủi ro vẫn ở mức cao, lên tới 200% với nhiều tiêu chí hơn so với các thông tư trước. Các khoản đầu tư, kinh doanh chứng khoán và cho vay bán lẻ được giữ nguyên mức rủi ro lần lượt là 150% và 75%.
GTJASVN cho rằng sự phân hóa này phản ánh rõ ràng định hướng của NHNN trong việc khuyến khích dòng tín dụng vào các lĩnh vực phục vụ phát triển bền vững như NOXH và nông nghiệp, trong khi kiểm soát nghiêm ngặt các lĩnh vực có tính chu kỳ và rủi ro cao như bất động sản thương mại và thị trường chứng khoán.
Việc điều chỉnh hệ số rủi ro không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cách tính CAR mà còn gián tiếp tác động đến hành vi tái cơ cấu danh mục tài sản của ngân hàng. Để tối ưu hóa tỷ lệ an toàn vốn, các ngân hàng sẽ có xu hướng điều chuyển tín dụng sang các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp, qua đó làm thay đổi dòng chảy vốn trong nền kinh tế. Đây được xem là công cụ điều tiết gián tiếp nhưng hiệu quả, giúp định hướng lại mục tiêu phân bổ vốn trung và dài hạn.
Tác động dài hạn đến cấu trúc vốn và chiến lược kinh doanh
Thông tư 14/2025 được đánh giá là bước tiến lớn về thể chế, mở ra giai đoạn điều chỉnh toàn diện cấu trúc vốn trong ngành ngân hàng. GTJASVN cho rằng các quy định nâng chuẩn an toàn vốn sẽ làm giảm khả năng giãn nở tài chính, đồng thời kiểm soát chặt chẽ biên lợi nhuận phân phối, đặc biệt từ năm 2030.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng buộc phải có chiến lược tăng vốn tự có bền vững như phát hành cổ phiếu mới, giữ lại lợi nhuận hay tối ưu hóa danh mục tài sản để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ vốn tối thiểu.
Trong khi cổ tức bằng tiền mặt vẫn là yếu tố kỳ vọng hàng đầu của nhiều cổ đông, việc không đáp ứng các điều kiện vốn có thể khiến ngân hàng phải ngừng chia cổ tức, bất chấp việc lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng.
Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ vọng định giá cổ phiếu và tâm lý nhà đầu tư trong trung và dài hạn. GTJASVN nhấn mạnh: “Thông tư mới ràng buộc các TCTD trong việc đảm bảo an toàn vốn với yêu cầu ưu tiên trên hết trước khi trả cổ tức bằng tiền mặt.”
Việc đặt an toàn vốn lên trên lợi ích cổ đông về cổ tức phản ánh sự chuyển hướng từ ưu tiên tăng trưởng sang quản trị rủi ro bền vững, đồng thời tạo nền tảng cho quá trình tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.
Thông tư 14/2025 là tiền đề quan trọng để hệ thống ngân hàng Việt Nam chuẩn bị cho giai đoạn phát triển ổn định và lành mạnh hơn, trên cơ sở quản trị vốn chặt chẽ và kiểm soát rủi ro toàn diện.
Mặc dù thời gian chuẩn bị kéo dài đến năm 2030, nhưng GTJASVN nhận định rằng sức ép tuân thủ sẽ ngày càng rõ rệt. Các ngân hàng không chỉ phải thích nghi với khung pháp lý mới mà còn phải đối mặt với các yếu tố bên ngoài như biến động lãi suất, nhu cầu tín dụng, áp lực chia cổ tức và mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận.
Đây là thời điểm ngành ngân hàng cần định vị lại chiến lược dài hạn, lấy chất lượng vốn, năng lực quản trị và khả năng thích ứng với chuẩn mực quốc tế làm trọng tâm xuyên suốt.
>> SHB được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 45.942 tỷ đồng