'Vòi bạch tuộc' hàng giả, hàng nhái đã vươn tới mọi ngóc ngách

Tọa đàm "Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại nhiều biến số" do Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức ngày 28/5, đề cập tới "làn sóng ngầm" hàng giả, hàng nhái và các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi.

Các chuyên gia đồng loạt khẳng định, thương hiệu không chỉ là biểu tượng nhận diện mà còn là "tấm khiên" bảo vệ niềm tin khách hàng và tài sản sống còn của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Bính - Chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính - chia sẻ thương hiệu bún, phở nổi tiếng của công ty đã trở thành "miếng mồi" cho những kẻ gian trà trộn hàng kém chất lượng vào hệ thống phân phối, thậm chí len lỏi vào bữa ăn bán trú của học sinh.

"Họ chỉ lấy một phần nhỏ sản phẩm chính hãng của chúng tôi, còn lại là hàng không rõ nguồn gốc. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của các em học sinh và làm tổn hại sâu sắc đến uy tín mà doanh nghiệp chúng tôi dày công xây dựng", bà Bính bức xúc.

'Vòi bạch tuộc' hàng giả, hàng nhái đã vươn tới mọi ngóc ngách ảnh 1
Toạ đàm "Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại nhiều biến số", sáng 28/5.

Trường hợp của Công ty CP Sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính không phải là cá biệt. Bức tranh toàn cảnh về tình hình hàng giả, hàng nhái được phác hoạ qua báo cáo tại cuộc họp gần đây giữa Thủ tướng Chính phủ với các bộ,m ngành và cơ quan trung ương cho thấy một thực tế đáng lo ngại. Chỉ trong những tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm. Trong số đó, có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại và thuế; có tới hơn 1.100 vụ liên quan trực tiếp đến hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Điều đáng nói là "vòi bạch tuộc" của hàng giả, hàng nhái đã vươn tới mọi ngóc ngách của thị trường, không "tha" cho bất kỳ lĩnh vực nào. Từ những sản phẩm thiết yếu như mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, đến các mặt hàng công nghệ cao như linh kiện điện tử, hay các sản phẩm thời trang, đâu đâu cũng tiềm ẩn nguy cơ hàng giả trà trộn. Đặc biệt, sự xâm phạm thương hiệu ngày càng diễn ra tinh vi trên các sàn thương mại điện tử, nơi việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Nhấn mạnh về tính cấp thiết của việc bảo vệ thương hiệu, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng Chỉ thị số 13 mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một động thái kịp thời. "Hàng giả thực sự là một mối đe doạ nghiêm trọng đến nền tảng sản xuất trong nước và gặm nhấm niềm tin của người tiêu dùng. Một khi niềm tin đã mất đi, việc khôi phục là vô cùng khó khăn", ông Nam lưu ý.

Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, theo ông Nam, các hành vi xâm phạm thương hiệu cũng trở nên phức tạp và khó lường hơn. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng một chiến lược bảo vệ thương hiệu đa tầng, linh hoạt. Chiến lược này bao gồm việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách bài bản, kiểm soát chặt chẽ các kênh phân phối để ngăn chặn hàng giả xâm nhập, minh bạch hoá thông tin sản phẩm và xây dựng một văn hoá doanh nghiệp coi trọng uy tín và chất lượng.

"Người tiêu dùng ngày nay không chỉ đơn thuần mua một sản phẩm mà họ còn mua cả giá trị và niềm tin mà doanh nghiệp đó mang lại. Doanh nghiệp nào giữ vững được thương hiệu, doanh nghiệp đó sẽ giữ được niềm tin của người tiêu dùng", ông Nam khẳng định.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng bảo vệ thương hiệu không còn đơn thuần là bảo vệ logo, tên gọi mà là giữ gìn giá trị cốt lõi và uy tín doanh nghiệp trong bối cảnh đầy rủi ro hiện nay.

>>Chợ Ninh Hiệp vắng lặng bất thường giữa chiến dịch truy quét hàng giả: Tiểu thương lý giải nguyên nhân