Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước , trong năm 2024, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD, giữ vững mức tăng trưởng so với năm trước.
Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân trong cùng kỳ. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về Việt Nam mỗi năm trên 10 tỷ USD.
Thực tế, kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia gây áp lực nhất định đến tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá - lãi suất và lạm phát.
Ngân hàng thương mại cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mạnh lượng kiều hối đổ về.
Đại diện Vietcombank cho biết, doanh số kiều hối trong năm 2024 đạt khoảng 1,9 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng lượng kiều hối cả nước. Vietcombank đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ ngân hàng số, mở rộng các kênh chuyển tiền trực tuyến và xây dựng hệ thống an toàn, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của kiều bào.
Hiện Vietcombank đang chủ trì những bước đầu tiên để thành lập Hiệp hội kiều hối Việt Nam, một tổ chức chuyên biệt nhằm nâng cao vị thế ngành kiều hối trên trường quốc tế. Đồng thời cam kết sẽ triển khai các sáng kiến cụ thể, như hỗ trợ cải thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về.
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho biết, lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng gia tăng qua các năm. Năm 2023, 2024 đều đạt con số cao ở mức 16 tỷ USD.
Theo ông Thịnh, kiều hối góp phần bảo đảm cung - cầu ngoại tệ , quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất, đặc biệt là trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá, tăng lãi suất là không nhỏ và các đồng tiền tại một số quốc gia trên thế giới mất giá mạnh. Thực tế cho thấy, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam không chỉ giúp đỡ thân nhân trong nước, chảy vào sản xuất - kinh doanh, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế, mà còn là nguồn cung giúp ổn định thị trường ngoại hối, từ đó góp phần ổn định tỷ giá VND/USD trong những năm qua.
Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối.
Ông Thịnh cho biết thêm, khi lượng kiều hối về trong nước, trước hết các cá nhân chuyển kiều hối đã đóng góp vào phát triển kinh tế cho gia đình. Việc phát triển kinh tế gia đình như xây nhà, mua sắm cũng là đang kích cầu tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, kênh đầu tư bất động sản “hút” lượng kiều hối không nhỏ. “Năm 2024, các văn bản pháp luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản đã mở rộng tạo điều kiện cho kiều bào về sinh sống, làm việc và đầu tư ở Việt Nam. Quyền lợi của Việt kiều giờ đây không khác gì công dân trong nước liên quan đến bất động sản”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cho biết, hiện cộng đồng người Việt ở nước ngoài khoảng 6 triệu người. Kiều bào hiện sinh sống tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển. Đây chính là yếu tố thuận lợi để kiều hối có thể tăng trưởng trong thời gian tới. Để tăng cường thu hút “nguồn lực vàng”, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tiếp tục tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách đầu tư ngày càng thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính...
Theo ông Thịnh, cũng nên thành lập những quỹ đầu tư kiều hối. Thông qua quỹ này, kiều bào có nguồn lực dù ít, hay nhiều đều có thể mua trái phiếu để tham gia đầu tư xây dựng thành phố…