Việt Nam mang kho báu thủy sản sang nước bạn Cuba, dự án thành công thần tốc sau 4 tháng

Dự án nuôi tôm thâm canh công nghệ cao tại Cuba được khởi động từ năm 2024, do các chuyên gia Việt Nam trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật và đồng hành cùng kỹ thuật viên nước bạn. Sau chu kỳ sản xuất đầu tiên kéo dài 121 ngày, 5 hồ nuôi tôm tại Santa Cruz del Sur (tỉnh Camagüey) đã thu hoạch tổng cộng 20 tấn tôm, tương đương năng suất 4 tấn/ha – con số rất đáng khích lệ trong điều kiện hạ tầng ngành thủy sản Cuba còn hạn chế.

Thành công này ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ từ cả hai phía. Các chuyên gia Việt Nam không chỉ mang theo công nghệ hiện đại mà còn trực tiếp đào tạo, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”, thức trắng đêm để tinh chỉnh hệ thống, thử nghiệm thức ăn mới và giám sát môi trường nuôi. Đáng chú ý, mọi quy trình đều được số hóa và tối ưu nhờ hệ thống sục khí, lọc nước hiện đại cùng khẩu phần dinh dưỡng được kiểm soát chặt chẽ.

Việt Nam mang kho báu thủy sản sang nước bạn Cuba, dự án thành công thần tốc sau 4 tháng
Việt Nam hỗ trợ Cuba triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao. Ảnh minh họa

>> Chi hơn nghìn tỷ làm dự án nuôi tôm công nghệ cao, một nhà đầu tư bất ngờ 'đem con bỏ chợ'

Sau giai đoạn thí điểm thành công, Việt Nam và Cuba đang xúc tiến mở rộng mô hình lên diện tích 10 ha tại Camagüey, hướng đến sản lượng 45 tấn trong nửa cuối năm 2025. Theo ông Miguel Antonio Manso Díaz, Trưởng bộ phận sản xuất của Cultisur (Santa Cruz del Sur), chu kỳ sản xuất thứ hai đã chính thức bắt đầu từ cuối tháng 4 với mật độ thả 100 con/m², mục tiêu đạt năng suất lên tới 1 tấn/ha.

Không dừng lại ở Camagüey, mô hình này đang được nhân rộng tại nhiều tỉnh trọng điểm khác của Cuba như Villa Clara (miền Trung) và Pinar del Río (miền Tây). Trong bối cảnh Cuba đang nỗ lực vượt qua các thách thức từ lệnh cấm vận, dự án được kỳ vọng trở thành lời giải cho bài toán an ninh lương thực, đồng thời là đòn bẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Không chỉ đơn thuần là dự án kỹ thuật, mô hình nuôi tôm tại Cuba đang trở thành biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai quốc gia. Bằng hành động cụ thể, Việt Nam đã mang đến một giải pháp bền vững, từ kỹ thuật nuôi trồng đến tư duy quản lý và chiến lược phát triển ngành hàng thủy sản.

Việt Nam mang kho báu thủy sản sang nước bạn Cuba, dự án thành công thần tốc sau 4 tháng
Nuôi tôm đã từ lâu là ngành xuất khẩu chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp Việt. Ảnh minh họa

>> 4 giống cá giúp nông dân Trà Vinh làm giàu khi ao tôm ngắt vụ

Dù gặp phải nhiều thách thức ban đầu như khác biệt ngôn ngữ, khí hậu, địa lý hay hạn chế nguồn lực đầu tư, các chuyên gia hai nước đã cùng sinh hoạt, làm việc và sát cánh trong từng khâu vận hành, từ đó tạo nên một nền tảng hợp tác bền vững và khả thi để nhân rộng.

Tại Việt Nam, nuôi tôm đã từ lâu là ngành xuất khẩu chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt hơn 749.000 ha, cho sản lượng 1,29 triệu tấn, tăng trên 15% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm chủ lực với hơn 951.000 tấn.

Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2024 đạt khoảng 3,95 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước. Trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu tôm tiếp tục ghi nhận đà phục hồi ấn tượng với giá trị 1,27 tỷ USD, tăng 30%. Các thị trường như Trung Quốc, EU và Nhật Bản đang có nhu cầu tăng trở lại, giúp đẩy giá và khơi thông hàng tồn.

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu duy trì diện tích tôm nuôi ở mức 750.000 ha, nâng sản lượng lên 1,3–1,4 triệu tấn và đạt kim ngạch xuất khẩu từ 4–4,3 tỷ USD. Những con số này cho thấy ngành tôm không chỉ là “mũi nhọn” xuất khẩu mà còn là công cụ hữu hiệu để mở rộng ảnh hưởng quốc tế thông qua hợp tác kỹ thuật, như trường hợp Cuba hiện tại.

>> Nuôi loại hải sản phục vụ nhà giàu, ngư dân điêu đứng vì bị thương lái 'xù tiền'