Việt Nam đi trước Nhật Bản và Trung Quốc, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới nhân tạo thành công một giống cá đặc biệt

Lần đầu tiên trên thế giới, một quốc gia đã sản xuất thành công giống cá cam bằng phương pháp nhân tạo. Không phải Nhật Bản hay Trung Quốc, những cường quốc trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, mà chính là Việt Nam.

Việt Nam đi trước Nhật Bản và Trung Quốc, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới nhân tạo thành công một giống cá đặc biệt
Cá cam. Ảnh minh hoạ

Trong lần đầu tiên triển khai nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá cam, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đạt được kết quả đột phá. Thành công này đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công giống cá cam nhân tạo.

>>Hàng loạt đơn hàng bị hoãn, một loại thuỷ sản Trung Quốc đang 'chết dần' trên đất Mỹ

Tại hội nghị triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, PGS.TS Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, cho biết đơn vị đã xây dựng được đàn cá cam bố mẹ từ nguồn cá ngoài tự nhiên, với trọng lượng trung bình khoảng 10 kg mỗi con và độ tuổi trung bình từ 5 đến 6 năm.

Từ đàn cá bố mẹ này, Viện đã tiến hành cho sinh sản nhân tạo vào tháng 4 năm 2025 và bước đầu thu được kết quả tích cực. Đây là đối tượng nuôi mới, được đánh giá là khó trong lĩnh vực thủy sản, nên quá trình ương nuôi được thực hiện đồng thời trong hai điều kiện môi trường khác nhau là bể và ao.

Theo bà Lụa, trong lần đầu tiên thử nghiệm, Viện thu được khoảng 3 triệu trứng cá cam, trong đó tỉ lệ thụ tinh đạt trên 90%. Tuy nhiên, tỉ lệ nở của trứng vẫn còn hạn chế, chỉ đạt hơn 30% và cần tiếp tục nghiên cứu để cải thiện.

Kết quả ương nuôi từ cá bột lên cá giống ở hai mô hình bể và ao cho thấy sự khác biệt đáng kể dù điều kiện chăm sóc và khẩu phần thức ăn là giống nhau.

Sau 23 ngày tuổi, đàn cá cam nuôi trong ao cho thấy khả năng sinh trưởng và tỉ lệ sống cao hơn. Đặc biệt, từ ngày thứ 18, cá bắt đầu tiếp nhận và sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho nguồn thức ăn tự nhiên. Đây được xem là yếu tố mang tính quyết định, mở ra cơ hội lớn cho việc sản xuất giống cá cam nhân tạo thành công ở quy mô lớn.

Ngược lại, mô hình nuôi trong bể không đạt hiệu quả do cá không chuyển đổi được sang thức ăn công nghiệp.

Bà Lụa cho biết hiện nay Nhật Bản và Trung Quốc đang nỗ lực nghiên cứu sản xuất giống cá cam nhân tạo nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cá giống ngoài tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, đến nay, các nước này vẫn chưa thành công.

Một số cơ sở nghiên cứu tại các quốc gia này chỉ mới đạt tới giai đoạn cho cá sinh sản, tức là cá đẻ trứng, nhưng trứng không thụ tinh hoặc phôi không phát triển thành cá giống. Nguyên nhân chính là do điều kiện khí hậu lạnh ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thụ tinh và phát triển phôi. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn không phù hợp trong giai đoạn ấu trùng cũng khiến tỉ lệ sống của cá con rất thấp.

Theo bà Lụa, cá cam được xác định là loài thủy sản cao cấp, có tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể đạt trọng lượng 3 kg chỉ sau 18 tháng nuôi. Loài cá này phân bố tự nhiên rộng ở các vùng biển ấm, rất phù hợp với mô hình nuôi lồng xa bờ, qua đó góp phần giảm áp lực cho vùng biển ven bờ.

Cá cam hiện đang được ưa chuộng tại các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu. Đây là nguyên liệu chính trong các món ăn cao cấp như sashimi và sushi tại nhiều nhà hàng sang trọng.

Việc Việt Nam làm chủ được công nghệ sản xuất giống cá cam nhân tạo không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên, mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành thủy sản phát triển bền vững, nâng cao giá trị xuất khẩu và khẳng định vị thế trên bản đồ nuôi trồng thủy sản thế giới.

>>Không chỉ du lịch, một mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu tăng tốc vượt 62 tỷ USD, đe dọa vị thế của Thái Lan