Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Một trong những vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là diễn biến bất thường của thị trường vàng.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) dẫn số liệu từ báo cáo của Chính phủ cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, giá vàng đã tăng gần 30% và lập đỉnh lịch sử tới 28 lần, trong đó chạm mốc 3.500 USD/ounce vào ngày 23/4.
Ngân hàng JPMorgan dự báo vàng có thể tiếp tục tăng lên tới 4.000 USD/ounce, vượt xa các ước tính trước đó.
Theo ông Đồng, dù từng được xem là “nơi trú ẩn an toàn”, vàng hiện nay đã trở thành loại tài sản đầy rủi ro. Có người lỗ hàng trăm triệu đồng chỉ sau vài ngày do biến động khó lường của loại tài sản này.
Giá vàng tăng mạnh đang tạo ra những tác động lan rộng không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Ông viện dẫn số liệu từ Cục Thống kê, trong năm 2024, giá vàng đã tăng khoảng 13,78% trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3,2%. Điều này phản ánh rõ mối liên hệ giữa giá vàng và chi phí hàng hóa tiêu dùng.
Việc giá vàng leo thang sẽ gây áp lực lạm phát, khiến hàng hóa tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn do giá trị vàng cao ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và phân phối. Điều này sẽ gây suy giảm sức mua của người dân, đặc biệt là đối với các nhóm thu nhập thấp, đồng thời làm gia tăng chi phí sinh hoạt cho đại bộ phận người dân.
![]() |
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cảnh báo, nếu xu hướng tăng tiếp diễn, nền kinh tế có thể đối mặt với nguy cơ lạm phát phi mã. Giá hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu và vật liệu xây dựng sẽ bị đẩy lên cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nền kinh tế.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, không thể chỉ nhìn nhận vàng như một tài sản đầu tư truyền thống mà cần xem đây là thước đo quan trọng cho sức khỏe kinh tế vĩ mô.
Do đó, đại biểu kiến nghị: “Điều quan trọng là Việt Nam cần chủ động xây dựng một chiến lược dài hạn để ổn định nền kinh tế, tránh bị cuốn vào những cơn sóng đầu cơ vàng, và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải có những cơ chế điều hành vàng rõ ràng, giảm thiểu biến động và đồng thời thúc đẩy đầu tư vào sản xuất thay vì vào các tài sản dễ biến động”.
Đồng quan điểm, đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) cho rằng, giá vàng tăng quá mức trong thời gian qua đã vượt ngoài tầm kiểm soát.
Bà chỉ ra, trong khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, việc giá vàng tăng cao kéo theo giá thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu cũng leo thang, khiến người dân càng thêm khó khăn. “Giá vàng hiện nay không phản ánh đúng giá trị thực”, bà nhận định.
Đại biểu nhấn mạnh, việc người dân đổ xô đi mua bán, đầu cơ càng đẩy giá vàng lên cao, góp phần làm trầm trọng thêm lạm phát.
Vì vậy, bà đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ nguyên nhân giá vàng tăng bất thường, từ đó đưa ra giải pháp ghìm cương giá vàng.
>> Giá vàng vừa chạm đỉnh hai tuần đã lao dốc: Chuyện gì đang diễn ra?