Đơn tố giác làm lộ diện đường dây lừa đảo tinh vi
Ngày 8/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Như Xuân (Thanh Hóa) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Giang Đình Lộc (SN 1998), Nguyễn Trường Thanh (SN 1989), Phạm Văn Đông (SN 1998), cùng trú xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương và Lê Văn Long (SN 1988, trú xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bên cạnh đó, Hoàng Mạnh Linh (SN 1998, trú phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội), Vũ Thị Như Quỳnh (SN 1991, trú huyện Thanh Miện, Hải Dương) và Đoàn Xuân Long (SN 1991, trú phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) bị khởi tố về tội "rửa tiền".
Trước đó, Công an huyện Như Xuân nhận được đơn trình báo của chị N.T.T (trú xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân) về việc bị lừa đảo khi nhờ người quen tìm mối xuất khẩu lao động sang Đài Loan.
Theo đó, cuối tháng 9/2024, chị T liên hệ anh họ tên Q đang làm việc tại Đài Loan để nhờ tìm mối đưa vợ chồng chị cùng sang đó làm việc. Anh Q nhờ bạn tên là Long (Facebook "Nguyễn Gia Long") để giúp đỡ chị T.
Long sau đó lại giới thiệu bạn tên là Trung (Facebook “Huỳnh Văn Trung”) để hướng dẫn chị T làm thủ tục.
Tin tưởng lời giới thiệu, chị T đã liên hệ với Trung qua Facebook cùng số điện thoại và được đối tượng đồng ý. Theo yêu cầu của Trung, vợ chồng chị T đã nhiều lần chuyển tổng số tiền 255 triệu đồng cho đối tượng để sớm được sang Đài Loan làm việc. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Trung chặn hết mọi kênh liên lạc với nạn nhân.
Bắt giữ Giang Đình Lộc (X) và đồng bọn trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền |
Quá trình điều tra cho thấy, đây là một vụ lừa đảo qua không gian mạng. Khi được chị T nhờ làm thủ tục sang Đài Loan làm việc, anh Q liên hệ với tài khoản Facebook Nguyễn Gia Long nhưng không biết tài khoản này đã bị giả mạo để hoạt động lừa đảo bằng hình thức làm thủ tục đưa người đi xuất khẩu lao động.
Cơ quan công an nhận định, đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản này có nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, bài bản. Các đối tượng lập nhiều trang Facebook giả mạo cá nhân và tổ chức có uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, khiến người dân tin tưởng, nhầm lẫn khi nhắn tin tương tác và gửi tiền vào tài khoản theo yêu cầu.
Nhóm này nhắm đến người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, mong muốn ra nước ngoài làm việc để kiếm tiền.
Thủ đoạn lừa đảo và rửa tiền hàng nghìn tỷ đồng tinh vi
Dựa vào những tài liệu thu thập được, ngày 6/12/2024, Ban chuyên án đã bắt giữ Giang Đình Lộc, Lê Văn Long, Nguyễn Trường Thanh và Phạm Văn Đông về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Đấu tranh mở rộng, cơ quan Công an tiếp tục bắt giữ Hoàng Mạnh Linh, Vũ Thị Như Quỳnh và Đoàn Xuân Long.
Nhóm này đã tham gia "rửa tiền" cho nhiều đường dây lừa đảo khác nhau với số tiền giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có đường dây do Giang Đình Lộc cầm đầu.
Để tránh kiểm soát sinh trắc học, nhóm đối tượng này đã lập và mua nhiều "công ty ma", sử dụng tài khoản công ty và lôi kéo nhiều người hoạt động trên Telegram để "rửa tiền" bằng hình thức mua bán tiền ảo.
Tang vật vụ án |
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, từ tháng 5/2024, Lộc, Long, Thanh và Đông đã sang Campuchia thuê nhà, sắm thiết bị và sử dụng sim điện thoại rác để thực hiện lừa đảo.
Các trang Facebook có tên "Huỳnh Văn Trung", "Nguyễn Gia Long" được tạo để giả danh những người đang làm việc tại Đài Loan nhằm tăng độ tin cậy. Nhóm này còn thuê chạy quảng cáo để mở rộng phạm vi tiếp cận các nạn nhân.
Khi có người liên hệ, các đối tượng đề nghị kết bạn Facebook để tư vấn công việc, mức lương và chế độ đãi ngộ. Sau khi nạn nhân đồng ý, các đối tượng sẽ gửi một bảng thông tin, yêu cầu điền theo mẫu rồi chuyển lại cho chúng.
Tiếp đó, nhóm này sẽ sử dụng Facebook gọi lại thông báo cho nạn nhân là phía ông chủ bên Đài Loan đồng ý nhận người sang làm việc. Các đối tượng tiếp tục chuyển thông tin, Facebook của bị hại cho Lộc trực tiếp tư vấn.
Qua trao đổi, nếu nạn nhân đồng ý, Lộc đề nghị họ chuyển tiền cọc vào "công ty" rồi vài ngày sau tiếp tục yêu cầu chuyển tiền làm visa, tiền chống trốn... Khi nhận đủ tiền, Lộc sẽ chặn hết mọi kênh liên lạc với nạn nhân.
Để "rửa tiền", Giang Đình Lộc liên hệ với nhóm tiền ảo của Hoàng Mạnh Linh, Vũ Thị Như Quỳnh, Đoàn Xuân Long và được cung cấp số tài khoản. Lộc sử dụng số tài khoản này để các nạn nhân chuyển tiền vào.
Khi nạn nhân chuyển tiền đến số tài khoản này cũng giống như đã mua tiền ảo, Lộc sẽ chụp ảnh màn hình chuyển khoản báo lên nhóm Telegram thông báo cho Linh, Quỳnh và Long. Căn cứ vào đó, Lộc quy đổi tiền ảo để rút tiền thật qua một ứng dụng.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định số tiền giao dịch qua tài khoản "rửa tiền" lên đến hơn 1.600 tỷ đồng. Hiện vụ án đang được Công an huyện Như Xuân tiếp tục điều tra, mở rộng để xử lý các đối tượng liên quan.
>> Công an TP. HCM phá ổ đánh bạc quy mô khủng ‘núp bóng’ khách sạn 4 sao, một con bạc chơi đến 18 tỷ/ngày