CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket (mã CK: CMN) doanh nghiệp gắn liền với thương hiệu mì gói "hai con tôm" huyền thoại vừa công bố biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, tổ chức ngày 20/6.
Tại đại hội, nhiều vấn đề quan trọng đã được thông qua, trong đó có việc chia cổ tức tiền mặt năm 2024 và định hướng chiến lược cho năm tài chính 2025 đánh dấu bước cải tổ toàn diện của thương hiệu từng nắm giữ 20% thị phần mì ăn liền Việt Nam.
Chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 13%
Năm 2024, Colusa – Miliket ghi nhận doanh thu đạt 760 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 29,2 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 99% và 108% chỉ tiêu đề ra. Sản lượng tiêu thụ đạt 17.225 tấn, tương ứng 91% kế hoạch.
![]() |
Năm 2024, Miliket ghi nhận doanh thu đạt 760 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 29,2 tỷ đồng. (Ảnh minh họa) |
>>'Kho báu dưới nước' của Việt Nam gây sốt toàn cầu: 5 tháng thu về hơn 4,34 tỷ USD, Mỹ – Trung – Nhật đều mê
Dù kết quả kinh doanh khả quan, công ty chỉ chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 13% (tương đương 1.300 đồng/cổ phiếu), bằng một nửa kế hoạch ban đầu là 26%. Với tỷ lệ này, tổng số tiền chi trả cổ tức vào khoảng 6,24 tỷ đồng.
Trong hai năm gần đây (2022–2023), Miliket đều chia cổ tức ở mức 2.600 đồng/cp, và duy trì tỷ lệ cổ tức ổn định từ 17–33% kể từ khi niêm yết trên sàn UPCoM năm 2017.
Chia sẻ về việc giảm cổ tức, Chủ tịch HĐQT bà Lưu Thị Tuyết Mai cho biết công ty cần giữ lại lợi nhuận để đầu tư cải tạo máy móc, mở rộng năng lực sản xuất, đặc biệt nhằm đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đang tăng trưởng. Theo bà, mức chia 13% vẫn cao hơn lãi suất gửi ngân hàng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025
Theo kế hoạch, năm 2025 Colusa – Miliket đặt mục tiêu doanh thu đạt 868,7 tỷ đồng (tăng 14%), trong khi lợi nhuận trước thuế dự kiến 29 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,7%. Sản lượng dự kiến 19.000 tấn, tăng hơn 10% so với năm 2024.
![]() |
Kế hoạch nhiệm vụ đề ra trong năm 2025 của CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket. |
Ban lãnh đạo cho biết doanh nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp quản trị và tái cấu trúc toàn diện để thích ứng với tình hình địa chính trị bất ổn, chi phí vận tải tăng cao, biến động tỷ giá và hàng rào thương mại kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu.
Cải tổ bộ máy, chuẩn bị từ bỏ sản phẩm truyền thống
Bước sang năm 2025, ban lãnh đạo Miliket nhận định bối cảnh địa chính trị thế giới tiếp tục bất ổn, ảnh hưởng lớn đến xuất nhập khẩu do chi phí logistics tăng, biến động tỷ giá và các rào cản thương mại.
Để ứng phó, công ty đã cải tiến chất lượng sản phẩm, phát triển dòng mì mới theo thị hiếu người tiêu dùng, hoàn thiện phần mềm quản trị SAP Business One và đẩy mạnh số hóa hệ thống bán hàng.
Miliket cũng đang rà soát lại toàn bộ chiến lược kinh doanh nội địa, mở rộng kênh phân phối hiện đại và tăng cường xuất khẩu trực tiếp ra thị trường quốc tế. Đồng thời, công ty chuẩn bị báo cáo khả thi cho dự án di dời nhà máy tại miền Nam.
Tổng Giám đốc Trần Hoàng Ngân cho biết doanh nghiệp đã cơ cấu lại nhân sự, đầu tư thiết bị mới và dự kiến ngừng sản xuất dòng mỳ ký – sản phẩm biểu tượng nhưng không còn hiệu quả kinh tế.
Từng giữ 20% thị phần mì ăn liền Việt Nam, nay chỉ còn 2%, Miliket buộc phải bước vào giai đoạn cải tổ toàn diện để tìm lại vị thế của “hai con tôm” một thời.
![]() |
Sản phẩm mỳ ký. |
>>Siêu thực phẩm 'ngon, bổ, rẻ' của Việt Nam 'hái ra tiền': Thu về hơn 91 triệu USD chỉ trong 1 tháng, Mỹ và châu Âu đều là khách ruột