Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 58/2024/TT-NHNN, quy định chi tiết về việc xử lý tiền giả và tiền nghi giả trong ngành ngân hàng. Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, đưa ra nhiều điểm mới nhằm tăng cường công tác phòng chống và xử lý tiền giả.
Theo Thông tư 58, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi giả trong giao dịch tiền mặt, các đơn vị như Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, sở giao dịch, tổ chức tín dụng, hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đối chiếu với đặc điểm bảo an trên tiền thật, tiền mẫu hoặc thông báo đặc điểm nhận biết tiền giả từ Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công an.
Nếu xác định tiền giả thuộc loại đã được thông báo, các đơn vị phải tiến hành thu giữ, lập biên bản theo mẫu quy định, đồng thời đóng dấu và bấm lỗ để xử lý. Đối với tiền giả loại mới, chỉ thực hiện thu giữ và lập biên bản, không đóng dấu hay bấm lỗ. Trong vòng 2 ngày làm việc từ thời điểm thu giữ, các tổ chức tín dụng phải thông báo bằng văn bản tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh hoặc Sở Giao dịch, nêu rõ loại tiền, số lượng, seri, và đặc điểm của tiền giả.
Đặc biệt, Thông tư quy định, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo ngay cho cơ quan công an khi phát hiện các trường hợp sau: nghi vấn tàng trữ, lưu hành tiền giả; xuất hiện tiền giả loại mới; hoặc khi trong một giao dịch có từ 5 tờ tiền giả trở lên. Ngoài ra, nếu khách hàng không hợp tác trong việc lập biên bản và thu giữ tiền giả, ngân hàng cũng phải báo công an để phối hợp xử lý.
Hình ảnh minh họa, nguồn: Internet |
Trong quá trình kiểm đếm, phân loại tiền mặt, nếu phát hiện tiền giả trong các bó, túi niêm phong, các đơn vị trong ngành ngân hàng sẽ xử lý tương tự như phát hiện trong giao dịch trực tiếp. Số tiền giả thu giữ sẽ được giao nộp định kỳ hàng tháng về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở Giao dịch để kiểm tra tính xác thực.
Nếu phát hiện tiền thật bị xử lý nhầm là tiền giả, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu đơn vị giao nộp bồi hoàn giá trị tương ứng cho khách hàng trong vòng 30 ngày. Tờ tiền thật bị đóng dấu và bấm lỗ sẽ được thu đổi ngang giá trị sau khi cắt góc 1/8 diện tích.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Thông tư 58 không chỉ nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tiền giả trong hệ thống ngân hàng mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các tổ chức và cá nhân liên quan trong việc bảo vệ tiền Việt Nam.
>> Người phụ nữ mất gần 1 tỷ đồng vì sập bẫy ‘thầy chứng khoán’ với lời hứa lợi nhuận khủng