![Trước khi bị Trung Quốc trả về 60 tấn sầu riêng nhiễm hoá chất, Thái Lan đã "hụt hơi" thế nào tại thị trường tỷ dân: xuất khẩu giảm, "dâng" thị phần vào tay Việt Nam- Ảnh 1. Trước khi bị Trung Quốc trả về 60 tấn sầu riêng nhiễm hoá chất, Thái Lan đã "hụt hơi" thế nào tại thị trường tỷ dân: xuất khẩu giảm, "dâng" thị phần vào tay Việt Nam- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/9/sr-1739140735974-17391407365932040377124.jpg)
Ảnh minh họa
Theo thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2024, Trung Quốc phá kỷ lục về nhập khẩu sầu riêng, đạt 1,56 triệu tấn, trị giá gần 7 tỷ USD, tăng 9,4% về lượng và tăng 4,0% về trị giá so với năm 2023.
Về cơ cấu, sự cạnh tranh giành thị trường lớn nhất thế giới này đã trở nên gay gắt hơn khi Việt Nam và Malaysia tăng cường nỗ lực để soán ngôi Thái Lan trở thành nhà cung cấp chính loại trái cây nhiệt đới được yêu thích này.
![Trước khi bị Trung Quốc trả về 60 tấn sầu riêng nhiễm hoá chất, Thái Lan đã "hụt hơi" thế nào tại thị trường tỷ dân: xuất khẩu giảm, "dâng" thị phần vào tay Việt Nam- Ảnh 2. Trước khi bị Trung Quốc trả về 60 tấn sầu riêng nhiễm hoá chất, Thái Lan đã "hụt hơi" thế nào tại thị trường tỷ dân: xuất khẩu giảm, "dâng" thị phần vào tay Việt Nam- Ảnh 2.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/9/image7-1739140737733-1739140737816560158347.png)
Năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan đạt 809,88 nghìn tấn, trị giá trên 4 tỷ USD, giảm 12,8% về lượng và giảm 12,1% về trị giá so với năm 2023. Giá nhập khẩu từ xứ chùa Vàng đạt 4.957 USD/tấn, giảm nhẹ 0,8%.
Thái Lan từ lâu đã thống trị thị trường sầu riêng của Trung Quốc, chiếm 68% lượng nhập khẩu vào năm 2023. Tuy nhiên, trong năm 2024, thị phần của nước này tại Trung Quốc giảm xuống còn 51% về lượng và 57% về kim ngạch, nguyên nhân là do các vấn đề về chất lượng từ việc sử dụng quá mức các đồn điền công nghiệp và sản lượng giảm sau đợt nắng nóng khắc nghiệt.
Ngược lại, Trung Quốc tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam trong năm 2024, tăng 49,4% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với năm 2023, đạt 736,72 nghìn tấn, trị giá 2,94 tỷ USD. Giá nhập khẩu từ Việt Nam đạt 3.991 USD/tấn, giảm mạnh 8%.
Do Thái Lan hụt hơi, thị phần của Việt Nam tăng lên tới 47,2% về lượng và hơn 42% về kim ngạch, ngày càng bám sát vị trí số 1.
![Trước khi bị Trung Quốc trả về 60 tấn sầu riêng nhiễm hoá chất, Thái Lan đã "hụt hơi" thế nào tại thị trường tỷ dân: xuất khẩu giảm, "dâng" thị phần vào tay Việt Nam- Ảnh 3. Trước khi bị Trung Quốc trả về 60 tấn sầu riêng nhiễm hoá chất, Thái Lan đã "hụt hơi" thế nào tại thị trường tỷ dân: xuất khẩu giảm, "dâng" thị phần vào tay Việt Nam- Ảnh 3.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/9/dd-1739140738297-17391407383881014284883.png)
Mới đây, Trung Quốc đã khiến cuộc đua này thêm nóng khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã yêu cầu Thái Lan và Việt Nam cung cấp báo cáo vụ mùa sầu riêng của họ sau khi phát hiện dư lượng vàng O (hóa chất có thể gây ung thư). Kể từ ngày 10/1, chính quyền Trung Quốc đã kiểm tra 100% các lô hàng trái cây tại tất cả các cửa khẩu biên giới.
Hôm 8/2, Trung Quốc đã từ chối nhập khẩu 64 tấn sầu riêng từ Thái Lan do phát hiện nhiễm chất vàng O. Ngay sau đó, Cục trưởng Cục Nông nghiệp Thái Lan Rapeepat Chansriwong cho biết cơ quan này đã kiểm tra mẫu sầu riêng bị trả về và xác nhận có chất vàng O.
Ông cũng khẳng định số sầu riêng bị nhiễm hoá chất đã được các quan chức tiêu hủy tại Văn phòng Kiểm dịch Thực vật ở cảng Laem Chabang và Trạm kiểm soát Aranyaprathet.
Đồng thời, Thái Lan cũng thu hồi giấy phép của 26 nhà xuất khẩu và áp dụng quy trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Thai News tiết lộ lô hàng này có giá trị khoảng 12 triệu USD .
Trước sự việc nghiêm trọng trên, bà Narumon Pinyosinwat, Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác Thái Lan, đã đưa ra một loạt biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn tình trạng nhiễm hóa chất đối với các loại trái cây và rau quả Thái Lan.
Trên thực tế, hải quan Trung Quốc đã trả lại khoảng 100 container sầu riêng được vận chuyển đến nước này trước ngày 10/1 cho Thái Lan, gây thiệt hại 500 triệu baht (14,6 triệu đô la) cho người sản xuất và hoạt động xuất khẩu chỉ vừa mới được nối lại.
Hiện sầu riêng Thái Lan phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ hơn 90% lượng sầu riêng xuất khẩu của Thái Lan. Tờ Bangkok Post đánh giá, năm 2025, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc dự báo đạt 750.000 - 850.000 tấn, tương đương 80 - 90 tỷ baht (2,35 tỷ USD - hơn 2,64 tỷ USD). Con số này chỉ bằng, thậm chí có phần thấp hơn giá trị xuất khẩu của năm 2024, do tình hình thị trường “đã không còn chắc chắn”.
Ông Aat Pisanwanich, chuyên gia phân tích kinh tế của Thái Lan đánh giá sự trỗi dậy của Việt Nam chính là nguyên nhân khiến Thái Lan gặp khó.
Sản lượng sầu riêng của Thái Lan chỉ giới hạn trong sáu tháng của mùa hè. Trong khi đó tại Việt Nam, ngoài thời vụ thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 10, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long trồng sầu riêng nghịch vụ cho thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Nhờ vậy, Việt Nam đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người Trung Quốc trong suốt cả năm.
Việt Nam cũng được hưởng lợi từ chi phí hậu cần thấp hơn vì có chung đường biên giới với Trung Quốc, tạo ra nhiều cơ hội hơn để xây dựng các thương hiệu sầu riêng Việt Nam thay thế cho sầu riêng Thái Lan.
“Thái Lan phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ Việt Nam. Sản lượng sầu riêng Việt Nam đang tăng nhanh, dự kiến ngang bằng với Thái Lan trong 1-2 năm tới”, tờ Bangkok Post nhận định.