“Trung bình giá” trong đầu tư: Liều thuốc ngọt ngào hay trái đắng?

Thay vì cố gắng gỡ gạc một cách mù quáng, nhà đầu tư cần tỉnh táo đánh giá tình hình và chấp nhận rằng đôi khi cắt lỗ còn tốt hơn là ôm hy vọng hão huyền.

Cạm bẫy?

Trong thế giới đầu tư, “trung bình giá” (dollar-cost averaging hoặc averaging down) là một chiến lược quen thuộc mà nhiều nhà đầu tư áp dụng với hy vọng gỡ gạc khi thị trường đi xuống. Ý tưởng nghe có vẻ đơn giản: mua thêm cổ phiếu hoặc tài sản khi giá giảm để giảm giá trung bình sở hữu, chờ giá tăng trở lại để thu lợi nhuận. Tuy nhiên, không phải lúc nào chiến lược này cũng mang lại kết quả như mong đợi. Thay vì “cứu” được khoản đầu tư, nhiều nhà đầu tư lại rơi vào cảnh “ngậm trái đắng”.

Trung bình giá thường được hiểu là việc tiếp tục mua thêm tài sản khi giá giảm, nhằm giảm mức giá trung bình của toàn bộ danh mục đầu tư. Ví dụ, nếu bạn mua 100 cổ phiếu với giá 100.000 đồng/cổ phiếu, sau đó giá giảm còn 80.000 đồng và bạn mua thêm 100 cổ phiếu nữa, giá trung bình của bạn giờ chỉ còn 90.000 đồng/cổ phiếu. Nếu giá tăng trở lại vượt mức 90.000 đồng, bạn sẽ có lợi nhuận. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

Vấn đề lớn nhất của trung bình giá nằm ở giả định rằng giá tài sản sẽ sớm phục hồi. Nhưng điều gì xảy ra nếu giá tiếp tục lao dốc? Nhiều nhà đầu tư, trong nỗ lực “gỡ gạc”, đã đổ thêm tiền vào những cổ phiếu hoặc tài sản đang trên đà suy giảm mà không đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân. Kết quả là họ không chỉ mất khoản đầu tư ban đầu mà còn “ném thêm tiền qua cửa sổ”.

Một ví dụ điển hình là trong các thị trường biến động mạnh như chứng khoán hoặc tiền điện tử. Khi giá giảm, tâm lý “mua đáy” khiến nhà đầu tư liên tục trung bình giá, nhưng nếu công ty phá sản hoặc thị trường không hồi phục, mọi nỗ lực đều trở thành công cốc.

Bài học từ “trái đắng”

Để tránh rơi vào tình cảnh này, nhà đầu tư cần lưu ý một số điểm quan trọng:

Nghiên cứu kỹ lưỡng : Đừng trung bình giá chỉ vì “cảm giác” giá đã giảm đủ sâu. Hãy xem xét lý do giá giảm. Nếu vấn đề xuất phát từ nội tại và nhà đầu tư cứ trung bình giá mà không nhận ra vấn đề cơ bản của doanh nghiệp, họ có thể chịu lỗ nặng khi giá không hồi phục như kỳ vọng.

Quản lý rủi ro : Xác định trước mức lỗ tối đa bạn có thể chịu đựng. Chẳng hạn, nếu bạn đầu tư 10 triệu đồng vào Bitcoin khi giá 60.000 USD và giá giảm còn 30.000 USD, việc mua thêm có thể hợp lý nếu bạn tin vào xu hướng dài hạn. Nhưng nếu bạn dồn toàn bộ vốn còn lại để “trung bình giá” mà không để lại tiền dự phòng, bạn sẽ kẹt cứng khi giá tiếp tục giảm xuống 20.000 USD.

 Kiên nhẫn và kỷ luật : Trung bình giá chỉ hiệu quả khi bạn có niềm tin dài hạn. Chẳng hạn, những nhà đầu tư mua vào cổ phiếu MWG (Thế Giới Di Động) ở vùng đỉnh hồi tháng 4/2022 với mức 75.000 đồng, họ cố gắng trung bình giá khi về vùng 40.000 đồng (cuối tháng 11/2022) và giữ đến nay đã có thể có lãi trở lại (hiện, thị giá khoảng 60.000 – 65.000 đồng), nhưng cần kiên nhẫn và tin vào tiềm năng phục hồi của MWG khi sức mua tăng, thay vì hành động theo cảm xúc.

Tựu chung lại, trung bình giá không phải là chiến lược xấu, nhưng nó không phải là “liều thuốc tiên” cho mọi tình huống. Thay vì cố gắng gỡ gạc một cách mù quáng, nhà đầu tư cần tỉnh táo đánh giá tình hình và chấp nhận rằng đôi khi cắt lỗ còn tốt hơn là ôm hy vọng hão huyền. Trong đầu tư, sự kiên nhẫn và kỷ luật luôn là chìa khóa, còn trung bình giá chỉ nên là một công cụ, không phải cứu cánh.