'Trùm' năng lượng Mỹ nắm trong tay nhiều dự án tỷ USD ở Việt Nam: Có dự án thuộc hàng trọng điểm vẫn đang 'tắc'

Hiện tập đoàn này đang triển khai 2 dự án năng lượng trọng điểm là Nhà máy nhiệt điện khí Sơn Mỹ II và Cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ.
'Trùm' năng lượng Mỹ nắm trong tay nhiều dự án tỷ USD ở Việt Nam: Có dự án thuộc hàng trọng điểm vẫn đang 'tắc'- Ảnh 1.

Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2

Theo thông tin trên Fanpage của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper vừa đến thăm AES Việt Nam để thảo luận về các dự án Nhà máy nhiệt điện khí Sơn Mỹ II và Cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ.

Theo Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Sơn Mỹ II nằm trong nhóm dự án nguồn điện quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên của ngành, với mục tiêu vận hành trong năm 2025-2030. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố vướng mắc, các dự án này vẫn đang chậm tiến độ.

Các 'siêu dự án' năng lượng

AES là tập đoàn năng lượng có trụ sở tại Bang Virginia, Mỹ, có tên trong danh sách 500 công ty lớn nhất Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn (500 Fortune) và là một trong những công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng.

AES đã xây dựng các nhà máy điện ở 29 quốc gia, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, phân phối điện, xây dựng hạ tầng trong ngành công nghiệp khí trên thế giới.

Tập đoàn AES bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ 17 năm trước. Cụ thể, năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã cấp giấy phép đầu tư cho Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương - liên doanh của Tập đoàn AES (Hoa Kỳ), Tập đoàn POSCO (Hàn Quốc) và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc China Investment Corporation (CIC) – để xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2 với tổng công suất 1.240 MW.

Năm 2011, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD và vận hành thương mại 4 năm sau đó. Năm 2019, AES hoàn thành dự án tái cấp vốn cho nhà máy này, đây là đợt phát hành trái phiếu dự án quốc tế đầu tiên cho Việt Nam.

Báo cáo tổng kết quý I/2025 của AES cho thấy nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 và các đơn vị tài chính có liên quan đạt lợi nhuận trước thuế là 26 triệu USD, trong đó phần dành cho AES là 12 triệu USD. Các kết quả này cao hơn mức 23 triệu USD và 10 triệu USD của cùng kỳ năm 2024.

Tháng 11/2023, AES đã đạt được thỏa thuận bán 51% cổ phần tại Nhà máy nhiệt điện than Mông Dương 2 cho Se.ven Global Investments (Séc). Thỏa thuận này chờ sự phê duyệt của Chính phủ Việt Nam.

Giai đoạn 2017 đến nay, AES chuyển hướng sang điện khí LNG. Nổi bật là cái bắt tay với PV Gas để phát triển Dự án Kho cảng nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ trị giá 1,4 tỷ USD.

Năm 2017, AES đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Công Thương để phát triển Nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp CCGT có tổng công suất 2,2 GW trị giá 1,8 tỷ USD theo hình thức BOT. Nhà máy được đặt tại tỉnh Bình Thuận.

Năm 2023, AES Việt Nam nhận Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Tua bin khí chu trình hỗn hợp (CCGT) Sơn Mỹ II.

2 dự án trọng điểm đang chậm tiến độ

'Trùm' năng lượng Mỹ nắm trong tay nhiều dự án tỷ USD ở Việt Nam: Có dự án thuộc hàng trọng điểm vẫn đang 'tắc'- Ảnh 2.

Phối cảnh mặt bằng tổng thể Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ II

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ II có tổng công suất 2.250 MW, diện tích hơn 93ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD do Tập đoàn AES làm chủ đầu tư, nằm trong nhóm dự án nguồn điện quan trọng quốc gia, với mục tiêu vận hành trong năm 2025-2030.

Để phục vụ cho nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ I và II, dự án Kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ đã được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2023.

Đây được xem là dự án kho cảng LNG lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 1,34 tỷ USD, quy mô hơn 3.500ha, do Công ty TNHH kho cảng LNG Sơn Mỹ (PV GAS giữ 61% và AES giữ 39% vốn điều lệ) làm chủ đầu tư. Dự kiến hoàn thành trong quý 1/2027.

Tuy nhiên, do vướng nhiều thủ tục, các dự án nêu trên vẫn chưa triển khai. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư vẫn chưa thực hiện xong. Tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt của các tổ chức và hộ dân không vướng tái định cư trước ngày 15/5/2025.

Ngoài ra, 2 dự án điện khí vẫn chưa được Bộ Công thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn các dự án trên để đảm bảo dự án thực hiện đúng tiến độ.