Tp.HCM chưa phát hiện trường hợp nào liên quan đến sản xuất hoặc buôn bán sữa giả

Trước nguy cơ gian lận thương mại ngày càng tinh vi, lực lượng chức năng Tp.HCM đã và đang tăng cường kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là sữa – sản phẩm gắn liền với sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trẻ em.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn Tp.HCM chiều ngày 24/4, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (CCQLTT) Tp.HCM cho biết, thông tin về hàng trăm loại sữa giả bị phát hiện gần đây đã gây lo ngại lớn trong dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh và người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe.

Tuy nhiên, đến nay, các Đội Quản lý thị trường tại Tp.HCM chưa phát hiện trường hợp nào liên quan đến sản xuất hoặc buôn bán sữa giả.

Ông Huy khẳng định, Chi cục Quản lý thị trường đã nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ theo chỉ đạo của cấp trên, tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là sữa.

Chi cục Quản lý thị trường Tp.HCM đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với công an, y tế và chính quyền địa phương, tập trung kiểm tra đột xuất tại các điểm tập kết hàng hóa, kho lạnh, tuyến phân phối và kênh bán hàng online những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về gian lận thương mại, hàng giả.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Ông Nguyễn Quang Huy cũng cho biết, từ năm 2024 đến hết quý I/2025, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 590 vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm, tạm giữ hơn 332.000 sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, trị giá hơn 12,1 tỷ đồng; số tiền xử phạt lên tới hơn 11,2 tỷ đồng.

Riêng với mặt hàng sữa, đã kiểm tra 7 vụ, tạm giữ 2.654 hộp sữa và 40kg bột sữa trị giá hơn 188 triệu đồng, xử phạt hơn 165 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng – tiềm ẩn rủi ro lớn với sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.

Tp.HCM chưa phát hiện trường hợp nào liên quan đến sản xuất hoặc buôn bán sữa giả- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Huy, Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường Tp.HCM thông tin.

Trong thời gian qua, nhiều vụ vi phạm lớn liên quan đến thực phẩm đã được lực lượng quản lý thị trường Tp.HCM phát hiện và xử lý.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra và phát hiện gần 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc tại Tp.Thủ Đức, trị giá gần 4,5 tỷ đồng, xử phạt 315 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa.

Ngoài ra, Đội QLTT số 19 phát hiện gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu tại huyện Củ Chi; Đội số 12 xử lý 18.200 chai bia nhập lậu tại quận 12; Đội số 18 phát hiện 1 tấn khô bò không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, Đội QLTT số 6 đã chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến kinh doanh hàng giả là thực phẩm (sản phẩm đào đóng hộp) sang cơ quan điều tra.

Tp.HCM chưa phát hiện trường hợp nào liên quan đến sản xuất hoặc buôn bán sữa giả- Ảnh 2.

Chi cục Quản lý thị trường Tp.HCM phân biệt hàng giả và hàng thật. (Ảnh: CCQLTT Tp.HCM).

Theo ông Huy sắp tới, Sở Công Thương Tp.HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng bám sát các hướng dẫn của Bộ Công Thương và UBND Tp.HCM, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm.

Bộ Công an công bố danh sách sữa giả và sản phẩm đang điều traCử tri Hà Nội đề nghị sớm xử lý cán bộ để xảy ra vụ sản xuất 600 loại sữa giảKhởi tố 6 người trong đường dây mua bán hàng tấn trà sữa giả

Lực lượng quản lý thị trường Tp.HCM tiếp tục đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên và đột xuất, tập trung vào các điểm nóng như cơ sở sản xuất, đại lý, kênh phân phối và sàn thương mại điện tử – nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng.

Song song đó, sẽ tăng cường phối hợp liên ngành chặt chẽ với công an, y tế và các cơ quan chức năng khác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng, đặc biệt là phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, cảnh báo về tác hại của hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng và hướng dẫn người tiêu dùng mua sắm tại các địa chỉ, website thương mại điện tử uy tín.

Nguyễn Lành