Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) vừa phát đi cảnh báo khẩn cấp đến toàn bộ khách hàng, liên quan đến một thủ đoạn lừa đảo tinh vi đang diễn ra với tần suất ngày càng dày đặc. Theo đó, nhiều người dùng nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn từ các số điện thoại bắt đầu bằng đầu số 028777, tự xưng là đại diện TPBank để thông báo về các vấn đề liên quan đến tài khoản, khoản vay, hay dịch vụ ngân hàng.
TPBank khẳng định rõ, những cuộc gọi và tin nhắn từ đầu số 028777 hoàn toàn không phải do ngân hàng phát đi. Đây là hành vi giả mạo có chủ đích, được các đối tượng lừa đảo xây dựng tinh vi nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản người dùng. Không chỉ giả mạo giọng nói nhân viên, các đối tượng còn sử dụng các văn bản có đóng dấu, chữ ký và logo làm giả để tăng độ tin cậy. Thậm chí, một số trường hợp còn đính kèm các đường link độc hại hoặc hướng dẫn người nhận gọi lại vào số điện thoại lạ nhằm dẫn dụ và thao túng tâm lý nạn nhân.

Trước tình hình này, TPBank đã lên tiếng làm rõ các kênh liên hệ chính thức của ngân hàng. Theo đó, TPBank chỉ sử dụng hai đầu số điện thoại khi chủ động gọi cho khách hàng là 024 3768 3683 và 024 7300 8668. Riêng tin nhắn SMS sẽ chỉ được gửi từ đầu số duy nhất là “TPBANK” – đầu số này không có chức năng thực hiện cuộc gọi. Tổng đài chăm sóc khách hàng của TPBank hiện tại là 1900 6036 hoặc 1900 585885.
Để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân, TPBank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không tin tưởng bất kỳ cuộc gọi hay văn bản nào từ những số điện thoại không rõ nguồn gốc, kể cả khi chúng có dấu mộc hay chữ ký trông giống thật. Khách hàng cần cảnh giác với tin nhắn có gắn đường link, tuyệt đối không truy cập vào các website không phải trang chính thức của TPBank, đồng thời tránh cung cấp thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mã OTP, số thẻ, mã CVV, mật khẩu tài khoản, hay mã mở khóa eToken trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Ngoài ra, TPBank cũng lưu ý người dùng không chia sẻ thông tin cá nhân như số CMND/CCCD, sổ hộ khẩu cho bất kỳ ai tự xưng là công an, cán bộ điều tra, hay nhân viên ngân hàng qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Với các nền tảng trực tuyến, khách hàng nên ưu tiên sử dụng phương thức xác thực bằng ứng dụng thay vì SMS, đồng thời kích hoạt tính năng xác thực hai lớp (2FA) trên ứng dụng TPBank để tăng cường bảo mật. Trong mọi tình huống yêu cầu cập nhật SIM, nâng cấp dịch vụ hay cung cấp thông tin, khách hàng nên xác minh trực tiếp với nhà mạng hoặc ngân hàng để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
TPBank khẳng định cam kết đồng hành và hỗ trợ khách hàng trong việc phòng chống lừa đảo công nghệ cao. Mọi nghi ngờ hoặc phát hiện bất thường, khách hàng nên liên hệ ngay với tổng đài chính thức của TPBank để được hỗ trợ kịp thời và chính xác.
>> TPBank (TPB) phát cảnh báo khẩn tới toàn bộ khách hàng