Susie, một tiến sĩ đến từ Sheffield, vẫn chưa tìm được công việc ổn định sau 9 tháng tốt nghiệp. Dù sở hữu tới ba tấm bằng – cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ – cô đã nộp đơn cho hơn 700 vị trí việc làm nhưng đa phần đều rơi vào im lặng hoặc chỉ nhận được thông báo từ chối tự động.
Nỗ lực cá nhân không thiếu. Susie dành cả ngày để điều chỉnh hồ sơ, viết thư xin việc và gửi đi. Tuy nhiên, thành quả chỉ là một công việc có mức lương dưới 30.000 bảng Anh mỗi năm, một con số quá khiêm tốn so với trình độ và công sức bỏ ra.
Tình trạng của Susie không phải là cá biệt. Martyna, sinh viên sắp tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học York, đã nộp đơn cho khoảng 150 công việc từ tháng 5. Cô chỉ được gọi phỏng vấn 5 lần và thường xuyên bị từ chối hoặc "bỏ bom" phỏng vấn dù đạt yêu cầu. Một email phản hồi tiết lộ rằng vị trí cô ứng tuyển có tới 2.000 người cạnh tranh.
![]() |
AI đang trở thành "con dao hai lưỡi" trong tuyển dụng tại Anh. Ảnh minh họa |
>> Quốc gia láng giềng của Việt Nam ra yêu cầu chuẩn mới trong tuyển dụng, trình độ Cử nhân vẫn chật vật tìm việc làm
Nhiều người trẻ Anh đang dần nhận ra rằng bằng cấp không còn là lợi thế lớn trên thị trường việc làm. Lucy, tốt nghiệp đại học ngành truyền thông năm 2022, không thể tìm việc vì thiếu kinh nghiệm nên buộc phải làm thêm tại tiệm bánh để tích lũy kỹ năng. Phải sau một thời gian dài làm việc trái ngành, cô mới được nhận vào một vị trí toàn thời gian nhưng mức lương cũng không mấy cải thiện.
Tình trạng này khiến không chỉ người trẻ mà cả phụ huynh cũng hoang mang. Bà Willemien Schurer có hai con trai vừa tốt nghiệp đại học chia sẻ nỗi lo khi con bà nộp hàng trăm đơn mà không có kết quả, dù học tại các trường danh tiếng và có thành tích học tập tốt. Thị trường quá đông hồ sơ đạt chuẩn, đến mức nhà tuyển dụng... không biết chọn ai.
AI hiện đang trở thành con dao hai lưỡi trong tuyển dụng. Người trẻ nhờ AI viết CV, trong khi nhà tuyển dụng cũng dùng AI để lọc hồ sơ. Hệ quả là hồ sơ trở nên đồng nhất, thiếu cá tính, khiến việc nổi bật trong hàng nghìn ứng viên ngày càng khó.
Theo một giáo sư kinh doanh tại Thụy Điển, sinh viên hiện tại đang bước vào thị trường lao động đầy bất ổn, nơi mà việc lạm dụng AI để học và làm bài tập khiến họ mất đi các kỹ năng cơ bản. Điều này dẫn đến nghịch lý: có bằng cấp nhưng lại thiếu khả năng viết lách, tư duy độc lập và kỹ năng giao tiếp.
![]() |
Việc lạm dụng AI khiến người trẻ mất đi các kỹ năng cơ bản khi đi tìm việc. Ảnh minh họa |
>> Ngành học đóng vai trò ‘trụ cột thầm lặng’, điểm chuẩn từ 17 điểm: Tốt nghiệp lương khởi điểm 20 triệu/tháng
Một chuyên gia nhân sự tại Anh cho biết, nhiều ứng viên trẻ hiện không thể trình bày thông tin rõ ràng, ghi chú đúng cách hay giao tiếp hiệu quả nếu không có Internet hỗ trợ. Đây là điều khiến nhà tuyển dụng ngày càng ít ưu tiên sinh viên mới ra trường.
Tom, giám đốc một công ty logistics nhận định rằng nhiều trường đại học đang vận hành như doanh nghiệp, “bán giấc mơ” về một tương lai tươi sáng sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, sinh viên khi bước ra thực tế lại va phải bức tường của thị trường việc làm khắc nghiệt và nhận ra họ chưa được chuẩn bị đầy đủ để đối mặt.
Louise, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Vi sinh tại Đại học Oxford, chia sẻ nỗi lo: sau hàng trăm đơn ứng tuyển, cô vẫn chưa thể làm công việc đúng chuyên môn. Nhà tuyển dụng lại đánh giá cao kinh nghiệm phục vụ khách hàng trong ngành dịch vụ hơn là kỹ năng nghiên cứu mà cô dành nhiều năm học tập để đạt được.
Cuộc khủng hoảng việc làm tại Anh đặt ra câu hỏi nghiêm túc về vai trò thật sự của giáo dục đại học. Bằng cấp không còn là bảo chứng cho thành công nếu thiếu kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tế và khả năng thích ứng với môi trường làm việc hiện đại.
>> Ngành học điểm chuẩn 'mềm' nhưng cơ hội nghề rộng lớn: Lương khởi điểm 'nhàn nhàn', được săn đón ngay từ ghế giảng đường