Cao điểm mặt hàng dừa hồi tháng 2-3 vừa qua, CTCP Nông sản Nam Mekong thu mua dừa của người nông dân tỉnh Bến Tre (cũ) với giá 12.000 đồng/quả tại vườn. Thế nhưng, thương lái Trung Quốc lại chào mua với giá 13.000-14.000 đồng/quả. Giá cao hơn nên nông dân chọn bán cho thương lái nước bạn.
“Chúng tôi rất đau đầu về vấn đề này”, ông Đặng Quý Nhân, Tổng giám đốc CTCP Nông sản Nam Mekong, kể với PV VietNamNet. Việc nông dân bán nông sản cho đối tác khác khiến doanh nghiệp bị hụt sản lượng xuất khẩu sang Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc... và doanh nghiệp đã bị phạt hợp đồng.
Trái lại, vào mùa thấp điểm, không thấy bóng thương lái Trung Quốc ở địa phương. Lúc đó, nông dân lại đổ xô bán hàng cho doanh nghiệp.
“Mùa thấp điểm, nông dân bán cho công ty 10 tấn. Còn cao điểm, bà con chỉ bán khoảng 3-4 tấn, 6-7 tấn còn lại bán cho thương lái với giá cao hơn”, ông Nhân dẫn chứng.
Trong khi đó, doanh nghiệp đã hợp tác với nông dân, ký hợp đồng bao tiêu và cung cấp phân bón. Do diện tích vùng trồng quá rộng, doanh nghiệp không thể quản lý hoạt động bán nông sản của nông dân. Nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động do bị nông dân "lật kèo".

Câu chuyện “phá kèo” trong hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân cũng là một trong các vấn đề được quan tâm tại Diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu chanh dây, chuối, dứa, dừa do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức tại TPHCM ngày 18/7.
Nói về tình trạng quen thuộc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nafoods cho biết Nafoods đã ký vùng trồng với diện tích lên tới 5.000ha với một số hợp tác xã trên Tây Nguyên. Vùng trồng này được số hóa, truy xuất nguồn gốc, quản lý rõ ràng. Doanh nghiệp cũng ký hợp đồng bao tiêu giá sàn với hợp tác xã. Nếu giá thị trường xuống thấp hơn giá sàn, Nafoods vẫn thu mua nhưng giới hạn số lượng trên mỗi ha.
Ví dụ, giá sàn thu mua chanh dây là 6.000 đồng/kg. Nếu giá thị trường xuống 4.000 đồng/kg, doanh nghiệp vẫn mua với giá sàn nhưng số lượng chỉ là 40 tấn/ha và không mua thêm.
“Nếu phát hiện trường hợp bán hàng ngoài hợp đồng, doanh nghiệp sẽ chấm dứt hợp tác. Sau 2-3 năm, các hợp tác xã và nông dân gần như 'sống chết' với doanh nghiệp. Khi giá cao, chúng tôi mua với giá thị trường hoặc cao hơn giá thị trường. Nếu giá thấp, doanh nghiệp cũng vẫn mua nên người nông dân thấy được lợi ích của sự hợp tác”, ông Hùng nêu giải pháp của doanh nghiệp.
Dẫu vậy, ông cũng đặt câu hỏi về cơ chế quản lý Nhà nước khi thương lái Trung Quốc có thể tới tận vùng nguyên liệu để thu mua. Họ mua hàng đều đặn trong 5-7 lần đầu, nhưng rồi bỏ đi luôn. Nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long mất mối vì lý do này.
“Ở Nhật Bản hay ngay tại Trung Quốc, không có chuyện các doanh nghiệp nước ngoài tới thu mua như vậy. Nếu không quản lý chặt thì câu chuyện này vẫn sẽ tiếp diễn”, đại diện Nafoods lưu ý.
Chia sẻ với các doanh nghiệp về câu chuyện bị phá vỡ cam kết trong hợp tác với người nông dân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Trần Thanh Nam cho rằng các doanh nghiệp không nên nhầm lẫn giữa hợp đồng mua bán với hợp đồng liên kết sản xuất.
Theo ông, Nghị định số 98/2018 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã có những quy định rõ về mối liên kết từ đầu vào tới đầu ra. Nếu doanh nghiệp thực hiện theo đúng liên kết như vậy sẽ không thất bại, bởi nghị định quy định rõ trách nhiệm khi các bên cùng thực hiện hợp đồng liên kết.
Trái lại, đối với thỏa thuận mua bán đơn thuần, đến thời điểm thu hoạch, nông dân có quyền bán cho bên khác nếu thấy giá cao hơn.
“Nhiều doanh nghiệp đề nghị xử phạt, thậm chí xử lý hình sự nông dân vì bị bể kèo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên xem lại. Không thể nào xử phạt nông dân như vậy”, ông Nam nói.
>> Không chỉ 1 tỷ USD, 4 loại trái cây này có thể giúp Việt Nam thu chục tỷ mỗi năm