Thị trường mì ăn liền: 60% người Việt chọn mì “quốc dân” Hảo Hảo, Omachi tăng trưởng ổn định với 44%, Modern và Miliket trở thành thương hiệu “vang bóng một thời”

Sản phẩm mì ăn liền chiếm tỷ lệ hơn 80% ở thị trường thực phẩm đóng gói tại Việt Nam.

Báo cáo mới nhất của Cốc Cốc về “Giải mã thói quen mua thực phẩm đóng gói của người tiêu dùng Việt” cho thấy, trong hai năm qua, thực phẩm đóng gói đã trở thành một mặt hàng thiết yếu và đóng vai trò quan trọng trong thị trường Việt Nam.

“Có thể thấy, dòng sản phẩm này đang phát triển nhanh chóng nhờ vào những thay đổi trong hành vi tiêu dùng và sự gia tăng của các yếu tố thúc đẩy khác như đô thị hóa, thu nhập tăng và lối sống bận rộn. Người tiêu dùng Việt ngày càng ưa chuộng các sản phẩm tiện lợi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” , báo cáo này nêu rõ.

Bên cạnh đó, dữ liệu của Cốc Cốc cũng cho thấy sản phẩm mì ăn liền vẫn giữ vững vị thế của mình, chiếm tỷ lệ hơn 80% trong suốt 2 năm gần đây. Trong khi đó, các sản phẩm như phở và cháo ăn liền đang ngày càng thu hút sự chú ý, phản ảnh sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng. Ngược lại, một số danh mục sản phẩm khác đang có dấu hiệu suy giảm, cho thấy một thị trường đầy cạnh tranh, nơi mà thị hiếu của người tiêu dùng liên tục biến đổi.

Thị trường mì ăn liền: 60% người Việt chọn mì “quốc dân” Hảo Hảo, Omachi tăng trưởng ổn định với 44%, Modern và Miliket trở thành thương hiệu “vang bóng một thời”- Ảnh 1.

Nguồn: Cốc Cốc.

“Tần suất tiêu thụ: 37% người tiêu dùng Việt thường sử dụng thực phẩm đóng gói với tần suất phổ biến nhất khoảng 2-3 lần/tuần, tăng 8% so với số liệu khảo sát năm 2023.

Thương hiệu ưa chuộng: Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, Hảo Hảo khẳng định vị thế dẫn đầu trên đường đua với tỷ lệ 60%, Omachi cũng cho thấy sự tăng trưởng ổn định với tỷ lệ 44%. Các thương hiệu như Cung Đình, Đệ Nhất và Vifon cũng đang thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Trong khi đó, một số thương hiệu “vang danh một thời” như Modern hay Miliket lại đang phải đối mặt với tình trạng thị phần giảm” , báo cáo của Cốc Cốc cho biết.

Khảo sát của Cốc Cốc cũng chỉ rõ, có gần 60% người thực hiện khảo sát cho biết nhanh chóng và tiện lợi là yếu tố hàng đầu mà họ cân nhắc trước khi mua sản phẩm, 37% quan trọng đối với vấn đề giá cả và 36% với hương vị sản phẩm. Trong khi người tiêu dùng trẻ ưu tiên sự nhanh chóng, tiện lợi và hợp lý trong giá cả thì nhóm tuổi lớn hơn lại chú trọng đến chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các thực phẩm ăn kèm với đồ ăn đóng gói để giúp tăng hương vị, tạo sự cân bằng dinh dưỡng, và mang lại trải nghiệm ẩm thực phong phú hơn. Trong đó, trứng và rau là hai lựa chọn phổ biến nhất, lần lượt chiếm tỷ lệ 69% và 52%. Theo khảo sát, khoảng 3/4 người tiêu dùng dưới 25 tuổi thích ăn thực phẩm đóng gói kèm với trứng, chiếm tỷ lệ cao hơn 10% so với nhóm tuổi khác; trong khi nhóm tuổi lớn hơn (từ 25 đến 55 tuổi) chuộng rau nhiều hơn.

Thị trường mì ăn liền: 60% người Việt chọn mì “quốc dân” Hảo Hảo, Omachi tăng trưởng ổn định với 44%, Modern và Miliket trở thành thương hiệu “vang bóng một thời”- Ảnh 2.

Nguồn: Cốc Cốc.

Khảo sát của Cốc Cốc cũng thông tin, hương vị, giá cả và thương hiệu là các yếu tố hàng đầu mà người tiêu dùng đắn đo khi chọn mua thực phẩm đóng gói, với tỷ lệ lần lượt là 62%, 46% và 36%. Ngoài ra, 29% đáp viên quan tâm đến yếu tố sức khỏe nhiều hơn, tăng 6% so với số liệu khảo sát năm 2023.

Về giá cả, có tới 50% người tiêu dùng chọn mua sản phẩm giá bình dân trong khoảng từ 5,000 đến 10,000 đồng, tỷ lệ này tăng 15% so với năm 2023. Các sản phẩm ở mức giá  từ 10,000 đến 20,000 đồng cũng được ưa chuộng hơn, chiếm tỷ lệ 20%. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng sẵn sàng bỏ thêm chi phí để mua các dòng thực phẩm này nếu giá cả hợp lý và có đồ ăn kèm theo. Ngoài ra, các đánh giá từ người dùng ngày càng có sự ảnh hưởng nhất định tới quyết định mua của khách hàng, tăng 3% so với số liệu năm 2023.

Bên cạnh đó, cũng có hơn 30% người tiêu dùng cho biết các chương trình khuyến mãi giảm giá hấp dẫn sẽ kích thích họ mua hàng nhiều hơn.