Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Kết luận thanh tra đối với Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank Việt Nam).
Cụ thể, kết luận thanh tra đã ghi nhận những mặt đạt được của Shinhan Bank Việt Nam. Về cơ bản, cơ cấu tổ chức và bộ máy của ngân hàng đảm bảo hoạt động theo đúng quy định pháp luật và đáp ứng được yêu cầu quản lý, hoạt động trong điều kiện hiện tại.
Việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của Shinhan Bank Việt Nam đã góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Trong thời kỳ thanh tra, phạm vi và quy mô hoạt động kinh doanh của Shinhan Bank Việt Nam phát triển tương đối nhanh và toàn diện.
Nợ xấu chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng nợ và dư nợ tín dụng đối với khách hàng là cá nhân, tổ chức kinh tế; dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng liên quan đến các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản ở mức thấp; không phát sinh cấp tín dụng đối với dự án BT, BOT.
Kết quả thanh tra chưa phát hiện Shinhan Bank Việt Nam vượt giới hạn, tỷ lệ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan hoặc vi phạm quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Tuy nhiên, kết luận thanh tra cũng chỉ ra một số vi phạm, tồn tại tại Shinhan Bank Việt Nam.
Về hoạt động quản trị điều hành, biên bản họp Hội đồng rủi ro quý II/2024 và quý III/2024 có nội dung chưa đúng với thực tế và quy định nội bộ.
Về hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng lớn và hoạt động xử lý nợ xấu, thu hồi nợ sau khi xử lý rủi ro, kết quả thanh tra cho thấy có tồn tại (quy định chưa rõ hoặc chưa thống nhất) liên quan đến nội dung phí thời hạn bảo lãnh; phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; cho vay với mục đích kinh doanh bất động sản; quản lý rủi ro, kiểm soát đối với cấp tín dụng để kinh doanh bất động sản, khách hàng, khách hàng và người có liên quan ở mức từ 1% vốn tự có của ngân hàng trở lên; định giá lại tài sản bảo đảm.
“Việc cấp tín dụng và hoạt động xử lý nợ xấu, thu hồi nợ sau khi xử lý rủi ro đối với các khách hàng có một số vi phạm, tồn tại về Hợp đồng tín dụng; thẩm định và xét duyệt cấp tín dụng; giải ngân vốn vay; kiểm tra, giám sát vốn vay; tài sản bảo đảm; thực hiện các biện pháp quản lý nợ xấu theo quy định nội bộ”, kết luận nêu rõ.
Về hoạt động mua, bán ngoại tệ, chuyển tiền ra nước ngoài, kết quả kiểm tra chọn mẫu giao dịch cho thấy, một số thỏa thuận mua, bán ngoại tệ thiếu thông tin về cặp đồng tiền giao dịch, tỷ giá giao dịch theo quy định pháp luật.
Về việc chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, kết quả kiểm tra chọn mẫu cho thấy, thông tin báo cáo của 2 giao dịch tại tệp thông tin mà Shinhan Bank Việt Nam đã báo cáo cho NHNN về người chuyển tiền, người thụ hưởng chưa chính xác theo hướng dẫn định dạng báo cáo của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
![]() |
Thanh tra NHNN chỉ ra loạt sai phạm tại Shinhan Bank Việt Nam |
Nguyên nhân của các vi phạm được xác định gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Trong đó, nguyên nhân khách quan đến từ việc trong quá trình hoạt động kinh doanh, hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng lớn tiềm ẩn rủi ro, nhóm khách hàng, hoạt động xử lý nợ xấu và thu hồi nợ ngoại bảng sau khi xử lý rủi ro vẫn còn một số bất cập do khách hàng không kịp thời gửi thông tin, tài liệu cho ngân hàng.
Ngoài ra, khách hàng cố tình trì hoãn, không thực hiện đúng các nội dung trong hợp đồng tín dụng. Sau khi vay vốn tại Shinhan Bank Việt Nam, khách hàng chủ yếu sinh sống ở nước ngoài dẫn đến khó khăn trong việc liên lạc.
Mặt khác, nguyên nhân chủ quan là do sơ suất, thiếu sót của cán bộ bộ phận làm trực tiếp trong quá trình thực hiện; thiếu sự rà soát kỹ lưỡng của cán bộ, bộ phận kiểm soát, rà soát, phê duyệt để phát hiện kịp thời các tồn tại.
Về trách nhiệm, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc cùng các lãnh đạo chi nhánh, phòng ban, cá nhân liên quan đều chịu trách nhiệm chung trong việc để xảy ra các tồn tại nêu trên. Tổng Giám đốc là người chịu trách nhiệm cao nhất.
Căn cứ kết quả thanh tra, cơ quan chức năng đã yêu cầu Shinhan Bank Việt Nam báo cáo, giải trình về các vi phạm, tồn tại và kịp thời đề ra những biện pháp phòng ngừa, khắc phục vi phạm, tổn tại và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Các phát hiện về vi phạm và tồn tại nêu trên của Shinhan Bank Việt Nam không thuộc phạm vi xử phạt vi phạm hành chính, do vậy không áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền.
Thanh tra NHNN đưa ra một số kiến nghị xử lý như: Yêu cầu Hội đồng thành viên, Ban điều hành, Ban kiểm soát nghiêm túc rút kinh nghiệm; Tổng Giám đốc chỉ đạo các bộ phận chức năng tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, giám sát nội bộ; rà soát, bổ sung, chỉnh sửa quy trình nội bộ, hợp đồng tín dụng, quy định về giải ngân vốn vay, tài sản bảo đảm, thẩm định tín dụng, giám sát sau cho vay…
Thời hạn thực hiện các kiến nghị chậm nhất là 6 tháng kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra.
>> NHNN công bố kết luận thanh tra một chi nhánh ngân hàng