Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam lập kỷ lục mới, giá trị vốn hóa gần 230.000 tỷ

Tính trên toàn sàn chứng khoán, giá trị của tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam chỉ xếp sau 4 “đại gia” do Nhà nước chi phối là Vietcombank, Viettel Global, BIDV và ACV.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên áp chót năm Giáp Thìn đầy khởi sắc. Trong đó, cổ phiếu FPT tiếp tục gây ấn tượng khi tăng hơn 3% lên lập đỉnh mới 154.300 đồng/cp. Đây là lần đầu tiên cổ phiếu này vượt đỉnh kể từ đầu năm 2025. Trước đó, FPT đã lập lên một kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi có đến 42 lần lập đỉnh trong năm 2024.

Cổ phiếu tăng tốc đẩy vốn hóa thị trường của FPT lên cao kỷ lục, gần 230.000 tỷ đồng (9 tỷ USD). Con số này đưa FPT vững vàng vị trí tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, vượt xa Vingroup, Hòa Phát. Tính trên toàn sàn chứng khoán, giá trị của tập đoàn công nghệ này chỉ xếp sau 4 “đại gia” do Nhà nước chi phối là Vietcombank, Viettel Global, BIDV và ACV.

Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam lập kỷ lục mới, giá trị vốn hóa gần 230.000 tỷ- Ảnh 1.

Đà tăng của FPT được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, đều đặn hàng tháng, quý. Sau 11 tháng đầu năm 2024, FPT ước doanh thu đạt 56.404 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 10.239 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,5% và 19,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 21,1% lên 7.302 tỷ đồng, tương ứng EPS ở mức 4.995 đồng/cổ phiếu.

Mảng Dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, đạt doanh thu 28.270 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 28,1%, dẫn dắt bởi sức tăng đến từ cả 4 thị trường. Trong đó, thị trường Nhật Bản và APAC tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, tăng lần lượt 30,2% (tương đương tăng trưởng 36,1% theo Yên Nhật) và 39,3%. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 29.372 tỷ đồng, tăng 17,2%.

Trong 11 tháng năm 2024, FPT thắng thầu 45 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD, cho thấy nhu cầu đầu tư cho công nghệ ngày càng cao trên toàn cầu và khẳng định năng lực cung ứng công nghệ của FPT.

Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam lập kỷ lục mới, giá trị vốn hóa gần 230.000 tỷ- Ảnh 2.

Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau 11 tháng đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 91% kế hoạch doanh thu và 94% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Mảng công nghệ - viễn thông tiếp tục tăng trưởng

Theo dữ liệu từ Gartner, giá trị tiêu dùng IT toàn cầu tăng trưởng đều đặn với CAGR là 6,6% từ 2020 đến 2024. Gartner dự đoán thị trường này sẽ tiếp tục tích cực trong năm 2025 với mức tăng trưởng 9,3%. Mảng dịch vụ bao gồm IT và viễn thông đang chiếm tỷ trọng cao nhất lần lượt 30,2% và 29,1%. Tỷ trọng cao tiếp theo đến từ mảng phần mềm với tỷ trọng 20,7%.

Đây là một trong những ngành trọng điểm của tập đoàn FPT. Báo cáo phân tích mới đây của VPBankS cho rằng, với yêu cầu công nghệ luôn gia tăng, tất cả các phân khúc trong ngành đều có mức tăng trưởng tốt trong năm 2024 và tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng trong năm sau.

Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam lập kỷ lục mới, giá trị vốn hóa gần 230.000 tỷ- Ảnh 3.

Về ngành công nghệ Việt Nam, VPBankS đánh giá ngành sẽ vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, đến từ các quan điểm sau: Bản chất ngành luôn đòi hỏi sự đổi mới trong tất cả phương diện để phục vụ đời sống con người một cách tối ưu. Lương bình quân của các nhân viên phần mêm có từ 1-3 năm kinh nghiệp đã sụt giảm sau một thời gian dài tăng miệt mài từ 2015.

Ngoài ra, nếu so sánh với một số quốc gia khác, mức lương tại Việt Nam thấp hơn đáng kể. Do đó chi phí đầu vào thấp, VPBankS tin rằng ngành công nghệ tại Việt Nam sẽ có nhiều động lực tăng trưởng trong tương lai.

Giữa tháng 11/2024, FPT đã ra mắt FPT AI Factory tại Việt Nam và Nhật Bản, cùng với công bố hệ sinh thái đối tác NVIDIA, SCCSK, ASUS, Hewlett Packard Enterprise, VAST Data, và DDN để thúc đẩy phát triển và vận hành dự án.

VPBankS đánh giá FPT AI Factory có thể bắt đầu đóng góp đáng kể từ năm 2025. Theo FPT, công ty đang nhận đơn đặt hàng trước và đặt mục tiêu dự án sẽ tạo ra doanh thu từ năm 2025, với mục tiêu doanh thu là khoảng 100 triệu USD, có khả năng sẽ được phân loạt vào mảng CNTT trong nước (ghi nhận dưới công ty FPT Smart Cloud).

Với mảng viễn thông, tỷ lệ người sử dụng internet trên tổng dân số tăng mạnh qua các năm, cập nhật đến tháng 10/2024 đã có đến 82,3% người sử dụng internet. Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/1/2024, xác định rõ hạ tầng TT&TT là hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia, mở ra không gian phát triển mới kinh tế - xã hội tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam lập kỷ lục mới, giá trị vốn hóa gần 230.000 tỷ- Ảnh 4.

Với vị thế là một công ty đầu ngành về công nghệ & viễn thông tại Việt Nam và định hướng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của Chính phủ đề ra nhằm phát triển kinh tế - xã hội, VPBankS kỳ vọng doanh thu của hoạt động này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 và 2025 với mức 9,4% so với cùng kỳ.