Tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội ‘bỏ xa’ TP. HCM, cho vay lĩnh vực nào chiếm ưu thế?

Mới đây, Cục Thống kê Hà Nội vừa công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố năm 2024.

Theo đó, tính đến cuối tháng 12/2024, tổng dư nợ tín dụng ước đạt 4,33 triệu tỷ đồng, tăng 0,83% so với cuối tháng trước và tăng 19,74% so với thời điểm kết thúc năm 2023.

Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt hơn 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 1,03% so với cuối tháng trước và tăng 23,21% so với cuối năm 2023; dư nợ trung và dài hạn đạt hơn 2,47 triệu tỷ đồng, tăng 0,68% và tăng 17,26%.

Về dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn, cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 12,77% trong tổng dư nợ; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,88%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,93%.

Ngoài ra, cho vay xuất khẩu chiếm 5,13%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,31%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,35%, cho vay chính sách xã hội chiếm 0,43%.

Tuy nhiên, huy động vốn tại Hà Nội tăng trưởng chậm hơn tín dụng. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt gần 5,81 tỷ đồng, tăng 0,65% so với cuối tháng trước và tăng 8,8% so với cuối năm 2023.

Tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội ‘bỏ xa’ TP. HCM, cho vay lĩnh vực nào chiếm ưu thế?
Tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội đạt 19,74%, trong khi TP. HCM chỉ đạt 11,34%

Tại TP. HCM, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. HCM cho thấy, dư nợ tín dụng trên địa bàn năm 2024 đạt 3,94 triệu tỷ đồng, tăng 11,34% so với năm 2023.

Trong đó, cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, với khoảng 65-67%, dư nợ còn lại là tín dụng tiêu dùng và tín dụng bất động sản.

Kết thúc năm 2024, dư nợ tín dụng ngoại tệ đạt 158.000 tỷ đồng, tăng 4,24% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, các ngân hàng trên địa bàn đã giải ngân 691.000 tỷ đồng cho 198.166 khách hàng, tăng 9% so với năm trước. Đặc biệt, gói tín dụng ưu đãi cho ngành lâm sản và thủy sản đạt 3.291 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1-2% so với mức trung bình.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng tăng trưởng tín dụng tại TP. HCM vẫn còn thấp hơn đáng kể so với Hà Nội. Với mức tăng trưởng tín dụng này, tổng dư nợ tín dụng của TP. HCM hiện chiếm 25,2% tổng dư nợ tín dụng cả nước.

Huy động vốn trên địa bàn tăng trưởng 15,28%, vượt tốc độ tăng trưởng tín dụng. “Đây sẽ tiếp tục là yếu tố thuận lợi để các tổ chức tín dụng trên địa bàn mở rộng và tăng trưởng tín dụng, cũng như thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Trung ương năm 2025, với yêu cầu cao hơn về nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM nhận định.

>> Tổng Giám đốc MB tiết lộ kế hoạch phân bổ tín dụng trong năm 2025