Quý 2/2025 ghi nhận dấu mốc mới của ngành ngân hàng khi lần đầu tiên có hai nhà băng tư nhân cán mốc tổng tài sản 1 triệu tỷ đồng.
Kết thúc nửa đầu năm 2025, VPBank trở thành ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất với con số hợp nhất vượt 1,1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cuối năm 2024. Trong đó, quy mô tài sản của ngân hàng riêng lẻ cũng tiến sát 1,05 triệu tỷ đồng. Động lực tăng trưởng tài sản của VPBank đến từ việc mở rộng dư nợ tín dụng với quy mô đạt 842.000 tỷ đồng, tăng 18,6% so với đầu năm và tăng 30,3% so với cùng kỳ.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Techcombank cho thấy ngân hàng đã đạt được cột mốc quan trọng về quy mô trong quý 2/2025. Cụ thể, cuối tháng 6/2025, tổng tài sản Techcombank đã đạt 1,037 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2024. Trong đó, dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng trưởng hơn 11% so với hồi đầu năm.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ, số liệu được NamABank công bố cũng ghi nhận sự mở rộng mạnh mẽ của quy mô tài sản. Theo đó, tổng tài sản của Nam A Bank đã cán mốc gần 315.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2025, tăng trưởng hơn 30% so với đầu năm và đánh dấu bước tiến mạnh mẽ về quy mô hoạt động của ngân hàng này trong hơn 32 năm hoạt động.
TPBank hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với tổng tài sản tính đến giữa năm 2025 đạt gần 428.600 tỷ đồng, hoàn thành 95% kế hoạch cả năm và tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản NCB tại 30/06/2025 ước đạt hơn 144.054 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cuối năm 2024 và vượt 6,3% so với mức kế hoạch cả năm 2025 là 135.500 tỷ đồng.
Tính đến hết 30/6/2025, tổng tài sản của VietABank đạt 133.952 tỷ đồng, tăng 14.120 tỷ đồng (tương đương gần 12%) so với đầu năm.
Hiện bốn ngân hàng quốc doanh BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank đều có tổng tài sản trên 2 triệu tỷ đồng. Dù chưa công bố số liệu chi tiết, song tổng tài sản của nhóm Big4 cũng dự kiến tăng mạnh khi quy mô tín dụng mở rộng nhanh chóng trong quý 2.
Agribank cho biết, tính đến 30/6/2025 dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, cao hơn cùng kỳ năm 2024. Theo ban lãnh đạo Agribank, hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của toàn hệ thống ngân hàng đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ năm trước, đạt cao nhất sau 4 năm triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Ban lãnh đạo VietinBank cũng cho biết ngân hàng đã đạt được những kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, dư nợ tín dụng tăng trưởng ước đạt 10% so với cuối năm 2024; nguồn vốn huy động tăng ước đạt hơn 9% so với cuối năm 2024.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Vietcombank cho biết, tính đến ngày 30/6/2025, tín dụng toàn hệ thống Vietcombank đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2024. Nếu không bao gồm hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ hỗ trợ VCB Neo, mức tăng đạt 7,5%. Chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát hiệu quả, với tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1%.
Ban lãnh đạo BIDV cũng đã thông tin, tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản đạt 2,92 triệu tỷ đồng, tăng 8,1%. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, nhà băng này có thể đạt quy mô tài sản 3 triệu tỷ đồng vào cuối quý 3 hoặc đầu quý 4/2025 - một cột mốc chưa từng có trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Quy mô tài sản của nhiều ngân hàng mở rộng "chóng mặt" trong bối cảnh dư nợ tín dụng – cấu phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản - tăng trưởng bứt phá trong quý 2/2025. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/6, tín dụng toàn hệ thống đạt 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2022 đến nay.
Việc tín dụng tăng cao trong nửa đầu năm là bàn đạp tích cực để cán đích mục tiêu tăng trưởng tối thiếu 16%, tương đương với quy mô tăng thêm là khoảng 2,5 triệu tỷ đồng cho cả năm 2025.