Sắp đánh thuế giao dịch Bitcoin, Ethereum như chứng khoán?

Bộ Tài chính đang đề xuất áp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số, bao gồm cả tài sản ảo và tài sản mã hóa trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi).

Theo đó, mức thuế suất dự kiến áp dụng là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng của từng lần giao dịch, tương tự mức áp dụng đối với chuyển nhượng chứng khoán.

Điều kiện áp dụng là việc mua bán phải thực hiện thông qua các sàn giao dịch có công khai giá, có tần suất giao dịch thường xuyên và được quản lý minh bạch.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh hoạt động giao dịch, sở hữu tài sản số chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số (có hiệu lực từ 1/1/2026), lần đầu quy định tài sản số là tài sản theo pháp luật dân sự hiện hành.

Dấu mốc này chính thức chấm dứt tình trạng mơ hồ pháp lý kéo dài nhiều năm, mở đường để hàng triệu người Việt đang nắm giữ tài sản mã hóa được pháp luật công nhận và bảo vệ. Đây cũng là nền tảng để cơ quan thuế triển khai chính sách thuế phù hợp.

Sắp đánh thuế giao dịch Bitcoin, Ethereum như chứng khoán?
Bộ Tài chính đề xuất áp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số. Ảnh minh họa

Phát biểu tại Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 diễn ra ngày 9/7 tại Hà Nội, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam khẳng định, Việt Nam đang sở hữu tiềm năng vượt trội trong lĩnh vực tài sản số, với khoảng 17 triệu tài khoản đầu tư crypto, tương đương 17–20% dân số. Con số này cao gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu khoảng 6%.

Tuy nhiên, theo ông Trung, khoảng 80% giao dịch vẫn diễn ra trên các sàn quốc tế như Binance, khiến thị trường tài sản số rơi vào "vùng xám" pháp lý, khó kiểm soát về mặt quản lý và tiềm ẩn rủi ro lớn đối với nhà đầu tư.

Tiến sĩ Jeff Nijsse, giảng viên cao cấp ngành Kỹ thuật phần mềm, Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam nhận định, luật mới đã đưa ra khái niệm chính thức về "tài sản số", chia thành hai nhóm chính gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa.

Trong đó, "tài sản mã hóa" là hạng mục bao trùm cho tiền mã hóa, với chức năng tài chính rõ ràng và hoạt động trên chuỗi khối (blockchain) riêng. Những tài sản này được định nghĩa là sử dụng công nghệ mã hóa để xác thực trong quá trình tạo lập, phát hành, lưu trữ và chuyển giao.

"Như vậy, các loại tiền mã hóa phổ biến như Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) hoàn toàn phù hợp với định nghĩa ‘tài sản mã hóa’ vì chúng được coi là có chức năng tài chính và sử dụng công nghệ mã hóa. Cách phân loại này giúp hàng triệu nhà đầu tư tại Việt Nam tin tưởng rằng những tài sản này không còn phải nằm trong vùng xám về mặt pháp lý", chuyên gia đánh giá.

>> Việt Nam có số lượng tài khoản crypto cao gấp 3 lần trung bình thế giới