Sáng 16/7: Giá vàng nhẫn, vàng SJC sụt mạnh

So với đầu giờ sáng qua, giá vàng nhẫn, vàng SJC trong phiên giao dịch sáng nay giảm mạnh tới 1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước sáng nay tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn giảm tới 900.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng hôm qua, hiện giao dịch ở mức 115,3 – 118,3 triệu đồng/lượng. DOJI cũng ghi nhận mức giảm tương tự, đưa giá vàng nhẫn về còn 108 - 109,1 triệu đồng/lượng.

Công ty SJC điều chỉnh giảm 800.000 đồng/lượng, hiện niêm yết ở mức 114,2 - 116,7 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, PNJ cũng giảm 500.000 đồng/lượng, xuống còn 114,7 - 117,6 triệu đồng/lượng.

Không chỉ vàng nhẫn, giá vàng miếng tại các doanh nghiệp lớn cũng giảm sâu, tới 900.000 đồng/lượng, hiện phổ biến ở mức 118,6 - 120,6 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, tại thời điểm khảo sát, giá vàng giao ngay nhích nhẹ gần 2 USD, lên ngưỡng 3.324 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua. Mặc dù đà tăng đang tạm thời chững lại, các nhà phân tích tại ngân hàng CIBC (Canada) vẫn đánh giá vàng còn nhiều dư địa để bứt phá trong nửa cuối năm 2025.

Trong báo cáo công bố hôm thứ Ba, CIBC đã mạnh tay nâng dự báo giá vàng, kỳ vọng nhu cầu trú ẩn an toàn sẽ tiếp tục là lực đỡ quan trọng thúc đẩy giá tăng. Ngân hàng này dự đoán giá vàng trung bình trong năm 2025 sẽ đạt khoảng 3.339 USD/ounce, tăng hơn 19% so với dự báo đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.

“Chúng tôi tiếp tục đánh giá cao cấu trúc kỹ thuật của vàng, cả về xu hướng tuyệt đối lẫn vai trò đa dạng hóa danh mục đầu tư,” các chuyên gia CIBC nhận định.

“Phân tích kỹ thuật cho thấy vàng có khả năng hướng đến vùng giá 3.700 - 3.800 USD/ounce, với những nhịp điều chỉnh quanh mức 3.175- 3.000 USD, vẫn duy trì trong kênh tăng giá dài hạn.”

Bước sang nửa cuối năm, CIBC kỳ vọng giá vàng có thể tiến tới vùng 3.600 USD/ounce và duy trì quanh mốc này đến hết năm 2026. Trong khi đó, mức giá trung bình cho năm 2027 được dự báo khoảng 3.000 USD/ounce.

Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, CIBC cho rằng bối cảnh vĩ mô toàn cầu tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho vàng. “Chính sách thuế quan dự kiến sẽ tiếp tục bất ổn, và chúng tôi cho rằng kinh tế Mỹ hiện vẫn chưa phản ánh đầy đủ tác động tiêu cực từ các mức thuế đã và sẽ được áp dụng, đặc biệt là đến sức mua của người tiêu dùng,” báo cáo nhấn mạnh.

Mặc dù, Tổng thống Trump đã đạt được một số tiến triển trong đàm phán thương mại với Trung Quốc, Anh và Việt Nam, nhưng nhiều quốc gia khác vẫn chưa đạt được thỏa thuận, kéo dài tình trạng bất định và gia tăng lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu, yếu tố vốn có lợi cho vàng.

Ngoài ra, dữ liệu CPI tháng 6 tại Mỹ cho thấy áp lực lạm phát vẫn tiếp diễn, dù đã hạ nhiệt hơn dự báo. Trong khi khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 7 gần như bị loại bỏ, thị trường vẫn đặt cược cho một đợt hạ lãi suất vào tháng 9.

“Chúng tôi tin rằng việc Fed cắt giảm lãi suất chỉ còn là vấn đề ‘khi nào và với tốc độ ra sao’, chứ không còn là ‘có hay không’,” các nhà phân tích tại CIBC nhấn mạnh.

Đáng chú ý, CIBC tiếp tục nhìn nhận vàng là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, thương mại và làn sóng phi USD hóa đang gia tăng. Ngân hàng dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục gia tăng dự trữ vàng nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

“Chúng tôi kỳ vọng trong nửa cuối năm 2025, vàng sẽ tiếp tục được ưa chuộng như một công cụ bảo toàn tài sản, nhất là khi so với các lựa chọn khác,” báo cáo viết. “Chủ đề phi USD hóa vẫn là xu hướng nổi bật từ đầu năm đến nay, khi nhiều quốc gia chuyển dịch dự trữ từ tài sản Mỹ sang vàng để hạn chế rủi ro địa chính trị và giảm phụ thuộc vào USD.”