Lợi nhuận ngân hàng kỳ vọng khả quan
Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tín dụng toàn hệ thống đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2024. Lượng vốn bơm ra nền kinh tế trong nửa đầu năm được đánh giá là rất lớn.
Theo ông Quang, vốn là mạch máu của nền kinh tế nên để kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 8% trong năm nay và tăng 2 chữ số trong các năm tiếp theo, tín dụng là một động lực không thể thiếu.
Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 30/6/2025, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024.
Dự báo tín dụng năm 2025 có thể vượt mục tiêu 16% đã đề ra. Trong bối cảnh lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục cân đối giữa mục tiêu lạm phát và việc đẩy vốn ra nền kinh tế. Việc nới room tín dụng cho các ngân hàng cũng đang được cân nhắc nhằm tạo dư địa cho vay hiệu quả hơn.
Ngân hàng chạy đà tăng tốc
Tại Agribank, hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm ghi nhận kết quả tích cực nhất sau 4 năm triển khai phương án tái cơ cấu giai đoạn 2021–2025.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng (tăng 6,4% so với đầu năm). Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1,85 triệu tỷ đồng (tăng 7,6% so với đầu năm), trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 61% tổng dư nợ nền kinh tế.
Năm 2025, Agribank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 3–5% so với năm 2024 và không thấp hơn kế hoạch được NHNN phê duyệt. Năm 2024, ngân hàng ghi nhận lãi trước thuế hợp nhất đạt 27.575 tỷ đồng, lãi trước thuế riêng lẻ đạt 27.307 tỷ đồng. Theo đó, ước tính lợi nhuận năm 2025 của Agribank dự kiến tối thiểu là 28.402 tỷ đồng (hợp nhất) hoặc 28.126 tỷ đồng (riêng lẻ).
Bên cạnh đó, ACB cũng có tốc độ tăng trưởng tín dụng ấn tượng. Theo Tổng Giám đốc ACB Từ Tiến Phát, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 7% vào cuối tháng 5/2025 và ước tính chạm mốc 8% vào cuối quý II.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết, ngân hàng ghi nhận dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm ước tăng 10%, nguồn vốn huy động ước tăng hơn 9% so với cuối năm 2024; lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024.
Trước đó, trong quý I/2025, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank đạt 6.823 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản đạt gần 2,47 triệu tỷ đồng (tăng 3,5% so với đầu năm); cho vay khách hàng đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng (tăng 4,6% so với đầu năm). Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,55%.
![]() |
Ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT VietinBank. Ảnh: VietinBank |
Nhiều công ty chứng khoán đưa ra dự báo tích cực
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng tín dụng của VietinBank trong năm nay, với dự báo đạt 16,9%, dẫn dắt bởi phân khúc bán lẻ.
VCBS đánh giá, tệp khách hàng cá nhân, hộ gia đình và cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh vốn là thế mạnh của VietinBank (chiếm 63% tín dụng bán lẻ). Giai đoạn sắp tới, VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng vào nhóm khách hàng ưu tiên, tăng tốc số hóa dịch vụ.
Trong khi đó, phân khúc bán buôn tiếp tục tăng trưởng ổn định với tốc độ dự báo đạt 13,8%. Động lực chính đến từ tiêu dùng, đầu tư công, FDI, các dự án bất động sản khu công nghiệp và dân cư, năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp tiềm năng (điện tử, dệt may, vật liệu xây dựng)…
VCBS dự báo biên lãi ròng (NIM) của VietinBank sẽ phục hồi từ nửa cuối năm với động lực đến từ cả chiều huy động và cho vay.
Cụ thể, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cải thiện, chi phí vốn thấp, lãi suất huy động thấp, cùng việc tối ưu hóa nguồn vốn trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) và phát hành giấy tờ có giá.
Tính đến cuối quý I/2025, tỷ lệ CASA của VietinBank đạt 23,6%, cao thứ 4 toàn ngành. Riêng tiền gửi không kỳ hạn từ khách hàng cá nhân tăng 1,6% so đầu năm và tăng tới 24,5% so với cùng kỳ 2024.
Chất lượng tài sản của VietinBank cũng được kỳ vọng cải thiện nhờ nền kinh tế phục hồi, cùng với sự phục hồi của các hoạt động sản xuất - kinh doanh và thị trường bất động sản.
Một số khách hàng tái cơ cấu, trong đó có một số khách hàng lớn đã hết thời gian thử thách và được chuyển về nợ nhóm thấp hơn và sẽ được hoàn nhập trích lập trong quý II/2025.
Với các yếu tố tích cực này, VCBS ước tính VietinBank có thể đạt lợi nhuận trước thuế 36.982 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 16,4% so với năm trước.
![]() |
Cơ câu CASA của VietinBank. Nguồn: VCBS |
Tại ACB, theo báo cáo của Chứng khoán SSI, NIM quý II dự kiến đi ngang, tăng trưởng tín dụng đạt 8% vào cuối quý. Chất lượng tài sản ổn định ở mức 1,4–1,5%, chi phí tín dụng giảm còn 0,35% (so với 0,42% trong quý I). Lợi nhuận trước thuế quý II ước đạt 5.250 tỷ đồng.
Với Techcombank, SSI dự báo lợi nhuận quý II đạt 7.850 tỷ đồng (tăng nhẹ 0,3% so cùng kỳ và 8,5% so quý trước). Tuy nhiên, lợi nhuận Techcombank được dự báo chỉ tăng nhẹ do NIM giảm và chi phí dự phòng có thể tăng.
Dù vậy, trong năm nay, Techcombank vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm trước.
Một trong những vấn đề được Techcombank quan tâm là NIM, do áp lực cạnh tranh trong toàn ngành ngân hàng đang gia tăng đáng kể, nhất là đối với khách hàng vay có chất lượng tín dụng tốt.
Đồng thời, ngân hàng định hướng rõ ràng về việc hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến lãi suất cho vay giảm nhanh, trong khi lãi suất huy động lại giảm chậm hơn, dẫn đến biên lợi nhuận thuần thu hẹp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn ngành, NIM 12 tháng qua của Techcombank vẫn cao hơn mức bình quân và trong môi trường hiện nay. Đây có thể xem là một kết quả tích cực.
Chính vì vậy, ngân hàng tiếp tục tin tưởng vào khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra cho năm 2025.
>> Luật hoá Nghị quyết 42: Chuyên gia dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ bật tăng từ quý III/2026